Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ
Tác động của biến đổi khí hậu khiến thị trường xuất hiện nhu cầu mới về thực phẩm buộc Việt Nam phải tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi, trong đó, chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn nhiều dư địa.
Tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 15/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với những lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, thời gian tới, ngành cần tập trung từ cơ chế chính sách, cách tổ chức sản xuất để khai thác tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thực phẩm, khai thác dư địa tiềm năng lợi thế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các đối tượng chủ đạo của ngành chăn nuôi như gia súc ăn cỏ, gia cầm, lợn… đều có sự phát triển mạnh, kể cả về giống, quy trình chăn nuôi, thức ăn… và áp dụng được những tiến bộ khoa học của thế giới.
Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, thị trường xuất hiện nhu cầu mới về sản phẩm buộc Việt Nam phải tái cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi.
Điển hình, chăn nuôi gia súc ăn cỏ có nhiều dư địa khi nhiều vùng miền có tiềm năng phát triển đồng cỏ, thức ăn xanh, nhất là trong điều kiện cần tiết kiệm tài nguyên nước.
Mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới và một số nước, khu vực xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU.
Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành đặt mục tiêu nâng và duy trì mức tăng trưởng trung bình giá trị sản phẩm của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2019-2025 đạt 5-6%/năm.
Cụ thể, sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ đến năm 2025 đạt trên 500.000 tấn, chiếm trên 10% tổng sản lượng thịt các loại; sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt từ 1,8 – 2,0 triệu tấn, đạt trung bình tiêu thụ khoảng 35 kg/người/năm.
Ngành sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có chăn nuôi. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ.
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng.
Ngành sẽ tổ chức liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các trang trại chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã…; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Hiện sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm. Cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại.
Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 đạt 27 kg/người/năm. Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 kg/người/năm.
Trong các sản phẩm được tạo ra từ gia súc ăn cỏ , Việt Nam mới xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 nước; thịt và sản phẩm thịt được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Sau hơn 6 năm đàm phán, ngày 26/4/2019 Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Do đặc thù của mô hình chăn nuôi bò sữa , 100% hộ, cơ sở chăn nuôi tham gia liên kết từ sản xuất thu mua, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm sữa. Nhưng mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế.
Hầu hết, bò thịt được bán cho thương lái khi đến tuổi giết thịt. Do vậy, giá cả sản phẩm này bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, dịch bệnh. Chăn nuôi hươu sao, dê, cừu thịt bước đầu hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()