Hằng năm cả nước có khoảng từ 1,4 đến 1,6 triệu người được bổ sung vào lực lượng lao động. Sự dồi dào của lực lượng lao động trẻ này đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất và giá trị tích lũy rất lớn, bảo đảm an sinh xã hội khi bước vào giai đoạn “dân số già”. Tuy nhiên, việc nắm bắt và tận dụng được cơ hội này để tạo nên một bước đột phá không dễ dàng. Bởi lẽ, mặc dù nguồn lao động dồi dào, nhưng lực lượng lao động này lại chiếm tới 75% số lao động giản đơn (trong số đó chỉ có 14,9% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao). Như vậy, sẽ không thể tạo ra sản phẩm lớn cho xã hội. Nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động và biến cơ hội thành lợi thế, chắc chắn nguồn lao động này sẽ trở thành thách thức, dẫn đến thừa lao động và gây mất ổn định xã hội.
Thông thường, “cơ cấu dân số vàng” đồng nghĩa với việc đang bắt đầu thời kỳ già hóa dân số, trong khi đó áp lực đào tạo, chăm lo việc làm, an sinh xã hội rất lớn. Và như vậy, có thể bỏ lỡ cơ hội này, đi đến giai đoạn dân số già, khi không có một nền tảng vững chắc về kinh tế và an sinh xã hội cho người già. Lại nữa, mặc dù đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng chúng ta cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức về chất lượng dân số khi tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ số phát triển con người, vấn đề trọng nam khinh nữ, chênh lệch giới tính khi sinh, suy dinh dưỡng trẻ em, năng suất lao động… đều chưa đạt chuẩn “vàng”.
Để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế – xã hội, yếu tố hàng đầu là phải đầu tư nhiều hơn nữa cho đào tạo nguồn nhân lực, nhất là tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo chuyên môn kỹ thuật và tạo nhiều cơ hội làm việc cho thế hệ trẻ. Cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề; phát triển nguồn nhân lực, sử dụng và tạo cơ hội việc làm, thu nhập thỏa đáng cho người lao động. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách sử dụng nguồn nhân lực hiện có thật hiệu quả, qua đó đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phù hợp cho từng ngành nghề. Triển khai đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp với thực tiễn khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. Đó là những giải pháp thiết thực góp phần đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến ()