Tận dụng nguồn nhân lực thời kỳ dân số vàng
Cơ hội dân số vàng được phát huy khi tỷ lệ lao động có việc làm cao.
Theo các chuyên gia dân số, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Có nghĩa là, một bộ phận dân số lao động “gánh đỡ” một bộ phận dân số phụ thuộc (người già, trẻ em và tỷ số phụ thuộc chung). Tỷ số phụ thuộc cho biết trung bình 100 người trong độ tuổi lao động phải “gánh đỡ” cho bao nhiêu người ngoài độ tuổi lao động. Khi tỷ số phụ thuộc nhỏ hơn 50 thì cơ cấu dân số đang đạt cơ cấu dân số vàng và “gánh nặng” thấp, bởi trung bình một người ngoài độ tuổi lao động được hỗ trợ bởi hơn hai người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động lớn hơn nhiều so với lực lượng phụ thuộc sẽ đóng góp lớn cho quỹ an sinh xã hội và thúc đẩy sự bền vững về tài chính.
Tổng cục trưởng Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Nguyễn Doãn Tú cho biết, với dân số 96,2 triệu người, trong đó 56 triệu người tham gia lao động là thời kỳ vàng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Những công nhân lao động lành nghề, vững vàng về chuyên môn sẽ là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất cho đất nước. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng sẽ không kéo dài mãi và sự tăng trưởng, phát triển kinh tế từ cơ cấu dân số vàng sẽ không tự đến nếu Việt Nam không có các chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu nguồn lao động đó có trình độ thấp, không có việc làm và năng suất lao động thấp. Hiện tại, nguồn lao động nước ta đông về số lượng, nhưng chất lượng, trình độ chưa cao. Mặc dù có lợi thế về quy mô thị trường lao động, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, làm gia công. Do đó cần có giải pháp hữu hiệu để phát huy lợi thế nguồn lao động vàng, nếu không, một vài năm tới, dân số nước ta sẽ bước vào ngưỡng dân số già.
Theo các chuyên gia, để biến cơ hội dân số vàng thành động lực tăng trưởng kinh tế thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng nguồn lao động. Trước hết, cần lập chiến lược toàn diện về phát triển nguồn nhân lực, trong đó đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng nhất. Đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn và thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho nguồn lao động này. Tăng cường cơ hội việc làm, nhất là cho thanh niên vùng nông thôn, miền núi. Tạo bình đẳng giới trên thị trường lao động; chính sách di dân bảo đảm phân bố dân cư và lao động hợp lý cho các vùng, khu vực. Chính sách kế hoạch hóa gia đình và chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải thực hiện linh hoạt, tùy thuộc điều kiện từng vùng, khu vực. Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị gia đình chỉ sinh hai con và có chất lượng. Hệ thống trợ cấp xã hội cần hướng đến hình thức phổ cập; bảo vệ người cao tuổi trước các rủi ro về y tế, thu nhập… bằng các hình thức bảo hiểm đa dạng, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm bổ sung tuổi già cần được chú trọng ngay từ bây giờ.
Để giữ được giai đoạn cơ cấu dân số vàng một cách triệt để, vẫn cần phải duy trì mức sinh thay thế. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cho rằng, giai đoạn 1999 – 2009, gia tăng dân số là 1,2%/năm, 2009-2019 là 1,14% năm. Như vậy, tuy tốc độ tăng có chậm hơn, nhưng do quy mô dân số lớn hơn cho nên số dân tăng thêm cao hơn giai đoạn trước. Nước ta đang trong ngưỡng già hóa dân số, nhưng giai đoạn dân số vàng vẫn còn kéo dài đến giai đoạn 2037 – 2040. Để giữ vững dân số vàng này, duy trì mức sinh thay thế vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()