Tận dụng lợi thế vượt khó
LSO-Với đặc điểm là tỉnh miền núi biên giới, các doanh nghiệp ở Lạng Sơn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Doanh nghiệp sản xuất không nhiều. Tuy nhiên trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp Xứ Lạng vẫn có những bứt phá, tận dụng lợi thế biên giới, cửa khẩu để vượt khó trụ vững và phát triển.
Sản xuất xe đạp điện tại Công ty xe đạp điện Đào Khôi |
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.558 doanh nghiệp. Riêng trong năm 2013 thành lập mới 202 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với năm 2012. Chỉ điều đó thôi đã đủ khẳng định doanh nghiệp ở Lạng Sơn đang có bước phát triển. Để có sự phát triển ấy là cả quá trình tích lũy vốn, kinh nghiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn trong giai đoạn suy thoái kinh tế từ năm 2007 đến nay. Là tỉnh miền núi biên giới, các doanh nghiệp Lạng Sơn chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu, tận dụng lợi thế tiếp xúc và giao lưu thương mại giữa hai nước Việt- Trung để biến thách thức thành cơ hội. Trong số 1.558 doanh nghiệp, loại hình hoạt động thương mại dịch vụ chiếm tới 51%. Mặc dù trong điều kiện thương mại biên giới chịu ảnh hưởng sâu sắc của suy giảm kinh tế nhưng đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng bến bãi, cơ sở vật chất phục vụ cho xuất nhập khẩu, vì vậy đã tăng nguồn thu cho tỉnh, tạo hàng nghìn việc làm.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tam Thanh cho biết, trong điều kiện kinh tế suy giảm, các doanh nghiệp Lạng Sơn đã nắm bắt được cơ hội đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Nhiều doanh nghiệp khai thác thế mạnh vận tải biên giới, dịch vụ thương mại biên giới, trung chuyển hàng hóa. Qua đó đã phát triển ổn định vượt qua khó khăn của suy thoái kinh tế.
Cùng với đầu tư vào dịch vụ biên giới cửa khẩu, số doanh nghiệp sản xuất, chế biến xây dựng chiếm chưa đầy 40%, thế nhưng hiệu quả vượt khó lại rất rõ nét. Đặc điểm của các doanh nghiệp sản xuất tại Lạng Sơn chủ yếu chế xuất các mặt hàng có nhiều lợi thế, học tập kinh nghiệm các doanh nghiệp nước bạn. Như các doanh nghiệp sản xuất máy bơm, cửa chống trộm chống cháy, đồ điện, thanh nhựa…cơ bản kế thừa từ sản xuất tiên tiến của nước bạn, sau đó nội địa hóa dần. Đứng đầu tốp hàng này là cửa thép của Công ty Khai Nga, máy bơm Bảo Long, gạch của Công ty Quyết Thắng. Ông Trịnh Khải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Vương chuyên sản xuất cửa thép chống trộm, chống cháy khẳng định, trong khó khăn về sản xuất, suy thoái kinh tế nhưng vẫn có những điểm lợi thế có thể tận dụng được. Để hạ giá thành công ty đã tăng cường nội địa hóa. Cho đến nay đã có những sản phẩm nội địa hóa đạt 98%. Đây là điều kiện để hạ giá thành, cạnh tranh với chính hàng ngoại nhập. Vì vậy 2 năm trở lại đây công ty đã sản xuất đạt 5 nghìn bộ cửa, tiêu thụ đạt 70%, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Từ đó đã đảm bảo công ăn việc làm cho gần 70 lao động địa phương.
Ngoài ra còn rất nhiều các công ty sản xuất khác cũng dựa vào lợi thế này để phát triển sản xuất bánh kẹo, chiếu tre, đồ điện, bật lửa ga…Là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty THHH Quyết Thắng nắm bắt được lợi thế sản xuất gạch bằng công nghệ hiện đại từ nước bạn đã nhanh chóng tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tăng sản lượng gạch lên gấp đôi, hạ được 1% giá thành, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm gạch cùng loại. Vì thế mặc dù trong lĩnh vực xây dựng có nhiều công trình đình giãn hoãn, đầu tư giảm, công ty vẫn trụ vững và phát triển.
Bằng sự vượt khó đi lên, tổng doanh thu của doanh nghiệp Lạng Sơn tính từ thời điểm đầu năm 2013 đến nay đã đạt 12.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 85 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách 487,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,4% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đáng quan tâm hơn các doanh nghiệp của tỉnh đã tạo công ăn việc làm cho trên 35 nghìn lao động với mức lương bình quân đạt 4 triệu đồng một người một tháng. Thành công ấy đánh giá sự trưởng thành của các doanh nghiệp Lạng Sơn.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()