Tận dụng lợi thế cạnh tranh để thu hút FDI
"Chúng ta không nên quá lo lắng về sự sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay. Đầu tư là hoạt động dài hạn cho nên không thể lấy số liệu của một tháng hay một quý để nhìn nhận, phân tích xu hướng của một năm", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, GS, TSKHNguyễn Mại (trong ảnh) khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) BáoNhân Dânvề tình hình thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm.
PV: Thưa Giáo sư, vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm từ đầu năm đến nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về mức sụt giảm vốn FDI này. Vậy quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Vốn FDI đăng ký chỉ là một xu hướng, không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế cho nên những chuyên gia kinh tế không nên lấy số liệu về vốn đăng ký để phân tích, bình luận, quan trọng là số vốn thực hiện.
Đầu tư là hoạt động dài hạn cho nên không thể xem xét tình hình đầu tư một quý để đánh giá, dự báo xu hướng cho một năm hay nhiều năm. Tình hình thu hút FDI từ đầu năm đến nay khác hẳn với năm trước bởi cùng kỳ có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chẳng hạn như dự án Công ty TNHH Samsung ElectronicsViệt Nam Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, bằng số vốn đăng ký cấp mới của cả quý I năm 2014; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD, gấp hơn hai lần số vốn tăng thêm của quý I-2014. Vì vậy, sự sụt giảm vốn FDI đăng ký và tăng thêm trong quý I năm nay là đương nhiên.
PV: Theo Giáo sư, tình hình thu hút FDI trong năm nay liệu có khả quan hay không?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Bản thân tôi rất lạc quan về tình hình FDI, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút FDI. Trước hết về điều kiện quốc tế, chúng ta biết là trong các nước ASEAN, những nước nhận đầu tư nhiều là Việt Nam, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-li- pin, Thái-lan… Nếu so với các nước này thì rõ ràng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh là sự ổn định chính trị, an ninh xã hội. Cho dù các tổ chức quốc tế hay các nhà đầu tư nước ngoài còn “chê” chúng ta về thủ tục hành chính, luật pháp…, nhưng Việt Nam trong con mắt của họ vẫn là địa điểm đầu tư an toàn, địa điểm để các nhà đầu tư chuyển dịch các cơ sở sản xuất từ Thái-lan, Trung Quốc, Nhật Bản sang. Không ai dại gì mà đầu tư vào những nơi mạo hiểm, rủi ro. Chúng ta may mắn có sự ổn định chính trị lâu dài và chúng ta không thể làm mất đi lợi thế rất lớn này.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào tiềm năng thị trường 90 triệu dân và đến năm 2020 tăng lên 100 triệu dân của Việt Nam, trong đó có khoảng 15 triệu người có thu nhập hơn 10 nghìn USD/năm. Một nhà đầu tư nước ngoài hỏi tôi có nên đầu tư một bệnh viện lớn ở Việt Nam hay không? Tôi trả lời: “Năm năm trước thì tôi còn phải băn khoăn nhưng bây giờ tôi khuyên ông nên đầu tư ngay vì người Việt Nam một năm mất tới 2 tỷ USD để ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Nếu ông muốn xem thực tế, ông có thể xuống thăm Bệnh viện quốc tế Vinmec, bây giờ đã chật kín người đến khám”.
Không chỉ nhìn vào sự ổn định chính trị, tiềm năng thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài còn nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, mặc dù chưa thỏa mãn được tất cả các yêu cầu của nhà đầu tư, nhưng luôn tìm mọi cách để làm thế nào có được môi trường đầu tư thuận lợi như cải cách hành chính, sửa đổi một loạt luật liên quan đến đầu tư. Một Chính phủ như vậy đã tạo được niềm tincho các nhà đầu tư.
Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi như đã phân tích ở trên, tôi nghĩ là có ba làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Làn sóng đầu tư thứ nhất đã diễn ra từ năm 1991-1997; làn sóng đầu tư thứ hai từ năm 2005 – 2008 và tôi chắc từ năm 2014 trở đi sẽ có làn sóng đầu tư thứ ba mà làn sóng này sẽ giống như hai làn sóng trước với khối lượng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam rất lớn nhưng khác với trước đây là chất lượng đầu tư sẽ cao hơn nhiều.
PV: Theo như ý kiến của Giáo sư thì chúng ta có thể lạc quan, tin tưởng vào triển vọng thu hút FDI của Việt Nam?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Không hẳn như vậy, có ba câu chuyện tôi rất lo lắng.
Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, quy mô các dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư quá nhỏ.
Trong số hơn 300 dự án FDI thì chỉ có từ ba đến bốn dự án là có quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD, còn lại là các dự án dưới 1 tỷ USD, tính bình quân một dự án khoảng 3-4 triệu USD, thậm chí có những dự án chỉ có vốn đầu tư 50 nghìn đến 100 nghìn USD. Tôi không hiểu lãnh đạo các địa phương làm sao có thể chấp nhận những dự án FDI quy mô nhỏ như vậy, họ không xem xét một cách khoa học để bảo đảm chất lượng dự án. Chúng ta không thể “vơ bèo vạt tép” đến mức như vậy, trừ những dự án trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ, có thể xem xét mức đầu tư nhỏ. Còn lại chúng ta hiện nay có hơn 400 nghìn DN trong nước, thừa sức làm được những dự án đó, tại sao không để DN Việt Nam làm.
Thứ hai, tôi lo là tác động lan tỏa của khu vực FDI. Cho đến bây giờ nhược điểm lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn FDI là tác động của khu vực này đối với khu vực trong nước không nhiều lắm.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng gắn với hình thức đầu tư. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, 85% số DN FDI đăng ký hình thức liên doanh cho nên tác động lan tỏa khá rõ nét. Chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý vào là có thể thay đổi tình hình của DN. Từ năm 2001, tỷ lệ các dự án liên doanh giảm dần. Trong các dự án FDI cấp giấy chứng nhận đầu tư quý I năm 2014, trong 2 tỷ USD đăng ký thì chỉ có khoảng 200 triệu USD là theo hình thức liên doanh.
Vì vậy, những ngành ta cần có tác động lan tỏa từ FDI thì dứt khoát phải có liên doanh, các DN Việt Nam đủ sức làm liên doanh. Và bây giờ chúng ta làm công nghiệp hỗ trợ thì dứt khoát là sẽ buộc một số ngành làm liên doanh.
Thứ ba,là vẫn còn diễn ra tình trạng đầu tư theo phong trào. Đơn cử như gần đây các địa phương xin thu hút đầu tư vào dự án vui chơi có thưởng (ca-si-nô). Tôi không hiểu tại sao lãnh đạo nhiều địa phương lại thích làm ca-si-nô thế, trước đây chúng ta từng thấy phong trào đầu tư sân gôn ở nhiều địa phương. Chưa có một nghiên cứu nào về thực trạng các dự án này đem lại những lợi ích gì, kể cả về thu ngân sách cũng như những tác động tiêu cực như thế nào…
Cần cân nhắc chủ trương thu hút FDI vào các dự án ca-si-nô một cách phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước ta.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Tính lũy kế đến ngày 20-4-2014, cả nước có 16.323 dự án FDI còn hiệu lực, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 80%) là dự án FDI theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Các dự án FDI theo hình thức liên doanh chỉ chiếm tỷ lệ 17,27% với 2.819 dự án. Còn lại là các dự án FDI theo hình thức cổ phần, hợp đồng BOT, BT, BTO, công ty mẹ con.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()