Tận dụng hiệu quả hơn các ưu đãi từ CPTPP
Sau hai năm Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đến nay xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP vẫn ở mức rất thấp (1,67%), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) khác. Ðây là dấu hiệu cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ CPTPP còn hạn chế, cần có những giải pháp mới, mạnh mẽ hơn để khai thác hiệu quả Hiệp định này.
Chưa tận dụng được hết các ưu đãi
Trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 26 đến 36%. Năm 2019, xuất khẩu sang sáu nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD (tăng 8,1%); đến năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu vẫn duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Trong bối cảnh hầu hết các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cho thấy những tác động tích cực từ CPTPP. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP còn thấp. Cụ thể, Nhật Bản đạt 3,1%, Ô-xtrây-li-a 1,9%, Niu Di-lân 1,6%, Mê-xi-cô 1,3%, Ca-na-đa 1,1%, Xin-ga-po 1%.
So sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP mang lại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chỉ đạt 7,2%, thấp hơn so mức 8,4% của thế giới trong cùng thời kỳ. Ðáng chú ý với các ngành hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ,… luôn được đánh giá có khả năng tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan khi CPTPP đi vào thực thi, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Nguyên nhân do còn nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn “lơ mơ” về các cam kết của CPTPP, năng lực hấp thụ CPTPP của các DN còn thấp, năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn chưa được cải thiện, liên kết giữa các DN trong ngành chưa cao. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 69% DN đã nghe nói hoặc biết “sơ sơ” về CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định, chỉ 6% DN biết rõ về các cam kết CPTPP. Tuy nhiên, trung bình cứ 20 DN được hỏi thì mới chỉ có một DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Ðiều này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu, nhưng mới chỉ là những vấn đề chung chung, chưa chuyên sâu.
Ðại diện VCCI cho rằng, các kết quả đạt được từ CPTPP đối với DN Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, các DN chưa chủ động trong việc tìm hiểu về các cơ hội và ưu đãi CPTPP mang lại. Hiện cứ bốn DN, mới có một DN đã từng được hưởng lợi thuế quan từ CPTPP, đặc biệt tại các thị trường mới như Ca-na-đa hay Mê-xi-cô. Chính vì vậy, với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn tới cộng đồng DN trong thời gian tới. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, nhất là ở các thị trường mới để kịp thời cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Ngoài ra khi tham gia CPTPP, các DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa lợi ích là đòi hỏi quan trọng nhất. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bắt đầu từ nâng cao chất lượng của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên, mà còn là chìa khóa để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập.
Chủ động tham gia mạnh mẽ hơn
Trên thực tế, những điểm cần khắc phục để tận dụng CPTPP đã được nêu ra từ trước khi Hiệp định có hiệu lực, vấn đề này các bộ, ngành đã phổ biến nhiều, nhưng mức độ chủ động của DN đến nay vẫn còn chưa cao. Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang lý giải, các DN Việt Nam còn chủ quan trong nhận thức và năng lực tận dụng ưu đãi khi có đến 43% DN cho rằng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) đã là 0% cho nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan của CPTPP, 37% DN cho rằng đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác nên không cần đến ưu đãi từ CPTPP. Mặt khác, một số cản trở khác đã khiến cho các DN “ngại” tiếp cận các ưu đãi từ CPTPP như: không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ, thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết,… Ðáng chú ý, lý do lớn nhất và gây tiếc nuối nhất là nhiều DN không biết gì về ưu đãi thuế cho lô hàng của mình do còn rất “lơ mơ” về CPTPP.
CPTPP có hiệu lực đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian và các số liệu thống kê tốt hơn để định lượng mức độ tăng trưởng đến từ CPTPP, đóng góp chung vào tổng kim ngạch xuất khẩu ra sao, tận dụng ưu đãi thuế quan thế nào. Bởi những yếu tố khách quan về dịch Covid-19 trong năm 2020 và những yếu tố khác đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường. Muốn DN Việt Nam thoát khỏi “ao làng”, vươn ra thế giới, ngoài thông tin đầy đủ, cần xây dựng một thể chế thống nhất, ổn định, đồng thời cần các chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường, nhân lực bổ trợ tốt mới có thể giúp các DN tận dụng và nâng cao nội lực. Các DN cũng cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong CPTPP. Xác định rõ việc gia nhập CPTPP là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức ép cạnh tranh buộc các DN phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, khi cơ hội vẫn còn nhiều trước mắt, các DN Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng cũng như lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho DN; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, xuất khẩu cho DN trong những năm tiếp theo.
Ý kiến ()