Tận dụng cơ hội trước cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung
Trong 4 tháng đầu năm, Mỹ vẫn liên tục giữ ngôi vị quán quân về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. |
Xung đột thương mại Mỹ-Trung có tác động không đồng nhất đến các nước khác trên thế giới. Trong đó, giới chuyên gia cho rằng một số nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN đã đặt nền tảng để hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các dây chuyền cung ứng toàn cầu mà cuộc chiến thương mại góp phần tạo ra, nhất là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam sẽ thấy các cơ hội trong ngành nội thất và may mặc, Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng và Thái Lan trong ngành ô tô.
TTXVN dẫn dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEA 3 (AMRO) năm 2019 cho biết, cả 3 nước này đều được hưởng lợi trong ngành thiết bị công nghệ thông tin và sản xuất điện tử. Sự kết hợp của môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng chi tiêu công khiến Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà xung đột thương mại dự kiến sẽ mang lại, và thoát khỏi tình trạng suy giảm xuất khẩu đang diễn ra trong toàn khu vực.
Theo số liệu của Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong 4 tháng qua Mỹ vẫn liên tục giữ ngôi vị quán quân về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hiện có những dấu hiệu cho thấy đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh mẽ.
Kiran Nandra-Koehrer, chuyên gia về các nền kinh tế thị trường mới nổi tại Quỹ quản lý tài sản Pictet, cho biết: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Á”. Nandra-Koehrer gợi ý rằng việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ là một phần của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là trong sản xuất dệt may và thậm chí cả điện tử gia dụng.
Ngoài ra, sự bùng nổ công nghệ cao của Việt Nam trong những năm gần đây cũng tạo đà cho việc bắt đầu sản xuất các sản phẩm ở mức cao hơn. Đây được xem là xu hướng chuyển dần sang Việt Nam gần đây của các nhà máy sản xuất hàng điện tử. Giới phân tích cho rằng muốn nắm lấy cơ hội, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng, đầu tư vào các ngành công nghệ cao.
Việt Nam trong những năm qua đã tham gia nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để trở thành một nguồn xuất khẩu toàn cầu.
Từ trong nước, TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nhiều nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc và tìm đến thị trường khác. Trong khi đó, Việt Nam lại là thị trường ngay bên cạnh Trung Quốc, có chính trị ổn định, lực lượng nhân công rẻ, các triển vọng kinh tế khá sáng sủa…. Tất cả những điều này sẽ là nhân tố thu hút dòng đầu tư đang dịch chuyển.
Tuy nhiên, việc tận dụng những cơ hội mới này cũng đi cùng những khó khăn, thách thức.
Những điểm cần lưu ý
Về mặt thương mại, TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra lỗ hổng thị trường. Lỗ hổng thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc xuất hiện làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Trong danh mục 250 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế, có rất nhiều hàng tiêu dùng cuối cùng vì vậy cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cơ hội trong ngắn hạn.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt khi xung đột thương mại nổ ra. Sẽ có nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam sản xuất và lấy xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ.
Cùng quan điểm trên, TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, dòng đầu tư sang Việt Nam có thể bao gồm nhiều nhà đầu tư với mục đích tránh né thuế, đội lốt, hoặc thậm chí lấy mác hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài. Đây là điều cần chú ý trong thời gian tới.
TS Trần Toàn Thắng nhấn mạnh, nếu tình trạng lẩn tránh thuế xảy ra khiến các đối tác của Việt Nam chú ý hơn và sẽ có những quyết định quản lý, giám sát chặt chẽ hàng hoá của Việt Nam nhiều hơn và điều này cũng gây bất lợi cho các hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu ra bên ngoài.
Cũng theo TS Trần Toàn Thắng, trong dài hạn, khi Việt Nam có cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa Việt Nam tăng thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng nước ngoài đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại khi sẽ có những dòng đầu tư chưa thật sự chất lượng đổ vào Việt Nam, nhất là các dòng đầu tư có ảnh hưởng tới môi trường và công nghệ lạc hậu. TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, Việt Nam đã qua thời thu hút đầu tư bằng mọi giá, giờ là thời điểm cần lựa chọn, chắt lọc các dòng đầu tư chất lượng cao và không ảnh hưởng tới môi trường đồng thời phải có tác động lan toả cao.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Namcho rằng, không chỉ trước xung đột thương mại này mà lâu nay, chúng ta vẫn luôn quan ngại điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam về năng lực quản trị, tính dự báo của thị trường và sức cạnh tranh.
Thêm nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp được thành lập dù có số lượng tương đối lớn nhưng quy mô nhỏ và rất nhỏ. Do đó, tiềm năng vốn, khoa học công nghệ và trình độ quản trị cũng còn hạn chế. Để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi cần nỗ lực rất nhiều. Các cơ quan hỗ trợ, các cơ quan quản lý cũng cần phải đồng hành cùng với doanh nghiệp trên chặng đường đầy cam go này.
Thực tế, Chính phủ cùng các bộ, ngành hiện đã có những động thái tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp. Mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đều được tiếp nhận và có phương án nghiên cứu, giao cho các cơ quan chức năng phù hợp xử lý. Động thái này rất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
“Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cụ thể liên quan tới cải cách thủ tục hành chính; liên quan tới điều kiện kinh doanh như đất đai, vốn, công nghệ và công tác phối hợp của nhiều bộ, ngành và cơ quan khi xử lý chung một vấn đề của doanh nghiệp còn chưa được như kỳ vọng, thậm chí còn có cách hiểu, cách xử lý khác nhau”, ông Phòng nhận định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh, diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế và rất khó lường. Cuộc chiến thương mại không dừng lại ở các sắc thuế mà còn cả về bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng… Bên cạnh đó, cuộc chiến còn đặt ra nhiều vấn đề về quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như: dệt may, da giày, đồ gỗ… hoàn toàn có nguy cơ tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế với tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh. Hơn nữa, phải có kế hoạch xây dựng năng lực, nhất là thương hiệu, uy tín và chất lượng để hoạt động với quy mô dài hạn. Đáng lưu ý, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra. Vì thế, phải nâng cao nhận thức về nguy cơ khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện. Bộ trưởng Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp chú trọng hơn nữa việc tăng cường khai thác thị trường nội địa và liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó đối với các vụ kiện xảy ra. Mặt khác, doanh nghiệp cần sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết và giữ liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. |
Theo Chinhphu
Ý kiến ()