Tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu
Ngày 10/8, tại tỉnh Đồng Nai, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo tập huấn “Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan trong các FTA Việt Nam – EU và Việt Nam - Hàn Quốc: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”.
Ảnh minh họa. nguồn: hanoimoi.com.vn
Hội thảo nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nắm vững nội dung về Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan trong các FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), để có thể tận dụng tốt những quy định này, góp phần giúp hàng xuất khẩu Việt Nam xâm nhập tốt và bền vững nhờ tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường xuất khẩu và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực nhờ có được lợi thế về cắt giảm thuế quan từ những hiệp định này.
Tại hội thảo tập huấn, các chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương làm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định EVFTA và VKFTA, đồng thời hướng dẫn việc áp dụng bộ quy tắc xuất xứ khi xác định xuất xứ của hàng hóa để biết được hàng hóa đó khi xuất sang EU hoặc Hàn Quốc, có được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của các hiệp định này không. Bài tập thực hành cũng được chuyên gia đưa ra sau bài giảng, giúp doanh nghiệp nắm bắt việc áp dụng trên thực tế quy tắc xuất xứ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của mình.
Đồng thời, hội thảo cũng tập trung vào các biện pháp phi quan thuế, bao gồm các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và hải quan, thuận lợi hóa thương mại.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong lĩnh vực TBT, việc tuân thủ với các yêu cầu TBT là điều kiện tiên quyết để các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường EU, Hàn Quốc và thế giới. Các hiệp định FTA tạo ra một khung khổ về hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận và hợp tác về các vấn đề TBT, khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc tuân thủ của hàng xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác.
Cùng với đó, các hiệp định FTA còn có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm toàn cầu, thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Các hiệp định FTA sẽ tạo ra một khung khổ pháp lý chặt chẽ về TBT, góp phần nâng cao tính minh bạch hóa, tính ổn định và tính dự báo, thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác khác.
Về SPS, mức độ cam kết trong Hiệp định VKFTA không sâu, chủ yếu tập trung vào hợp tác kỹ thuật trong khi Hiệp định EVFTA có các quy định chi tiết, đặc biệt là thanh kiểm tra, công nhận tương đương, tương thích với điều kiện khu vực. Trong quá trình triển khai, có thể thấy rõ những thách thức như: Việc thực thi giải quyết các vấn đề SPS phải đối mặt với một phạm vi lớn các quy định pháp lý của quốc gia trong kiểm soát nhập khẩu, liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn; Sự khác biệt về trình độ phát triển, quy định khác biệt về SPS và thực tiễn áp dụng tại mỗi quốc gia; Các biện pháp phi thuế quan đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại mở cửa thị trường; và chủ nghĩa bảo hộ vẫn còn tồn tại. Vì vậy, doanh nghiệp cần cập nhật tốt các thông tin về quy định SPS của các nước và đặc biệt là các tiêu chuẩn hài hòa của ASEAN, tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, có chiến lược thị trường rõ ràng và hiểu tâm lý, phong tục, tôn giáo của người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Trong lĩnh vực hải quan và thuận lợi hóa thương mại, những cam kết về thủ tục và hợp tác hải quan và cam kết pháp chế sẽ giúp cơ quan hải quan tiếp cận được với những chuẩn mực mới, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại và giúp công tác quản lý hải quan hiệu quả và năng động hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, trong thời gian tới phải tiếp tục nâng cao năng lực của cán bộ công chức làm trong lĩnh vực hải quan, xây dựng tốt hệ thống thông tin và quản lý rủi ro, đổi mới phương pháp quản lý…./
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()