Tân Đoàn: Dân khổ vì thiếu nước
(LSO) – Mặc dù có nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn nhưng đa số đều xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người dân nên cứ bước vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan lại rơi vào tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Nông nghiệp buộc phải tạm ngừng, đời sống người dân khó khăn.
Ông Liễu Văn Trại, thôn Khòn Ngòa, xã Tân Đoàn cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, nhưng giếng khoan chỉ dùng được 2 năm rồi không có nước, nếu có thì nước bẩn. Vừa qua, một số hộ dân chúng tôi góp mỗi hộ khoảng 18 triệu đồng tự dẫn nước từ đầu nguồn cách nhà 4 km về sử dụng. Chi phí lớn nhưng dự kiến cũng chỉ sử dụng được khoảng 5 năm”.
Trường Mầm non xã Tân Đoàn phải mua nước đóng bình để nấu ăn cho trẻ
Bà Hoàng Thị Sa, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tân Đoàn cho biết: “Trước đây, trường sử dụng nước bơm từ giếng khoan của xã nhưng chỉ phục vụ cho mục đích vệ sinh vì nước đục. Hiện trường phải mua nước từ các hộ dân tự lắp đặt đường ống dẫn nước với giá 5.000 đồng/m3 sinh hoạt. Để nấu ăn cho học sinh, nhà trường buộc phải mua nước lọc với giá trung bình 15.000 đồng/bình 18 lít.
Xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan có 9 thôn với 684 hộ, 3.230 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 3 công trình nước sinh hoạt dẫn từ các khe suối đầu nguồn về khu dân cư gồm: đường ống dẫn nước Bản Nầng – Khòn Ngòa dài 7 km, Khòn Cải – Đông Doàng dài 4 km, Lùng Pá – Khòn Pá dài 3 km. Các công trình này hoạt động liên tục nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của người dân. Hiện các thôn trung tâm như: Ba Xã, Khòn Ngòa thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Đoàn cho biết: Trước đây, xã được đầu tư xây dựng một số công trình nước sạch, sau nhiều năm sử dụng đến nay, đã xuống cấp, không sử dụng được. Xã hiện còn 3 hệ thống cấp nước nhưng những đường ống này cũng thường xuyên bị tắc, người dân thường xuyên phải bỏ công sức, tiền để sửa chữa. Chúng tôi cũng đã có phương án đào giếng khoan, xây dựng bể chứa lớn để phục vụ cho người dân nhưng những phương án này đều không hiệu quả. Vì giếng khoan có chi phí đầu tư lớn nhưng chỉ sử dụng được khoảng 2 năm thì ô nhiễm.
Mặc dù xã có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thế nhưng từ nhiều năm nay, người dân không thể phát triển sản xuất do thiếu nước. Hiện bà con chỉ cấy được một vụ, những khu vực gần nguồn nước mới có thể cấy được hai vụ. Sau vụ lúa, người dân muốn trồng thêm hoa màu phải chuyển sang trồng những loại cây cần ít nước, đào ao để tích nước mưa song thời điểm hiện tại hầu hết những ao này đều khô đáy nên 95% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã bị bỏ hoang. Được biết trước đây, xã có công trình thủy lợi dẫn nước từ hồ tự nhiên trên núi với diện tích mặt nước là 22 ha, đáp ứng nhu cầu canh tác của người dân. Thế nhưng hiện hồ nước này đã bị thu hẹp một nửa, cùng đó, hệ thống mương dẫn xuống cấp nên lượng nước bị hao hụt nhiều, lại chảy qua nhiều khu vực sản xuất của các xã khác do vậy khi về đến xã Tân Đoàn lượng nước còn lại không đáng kể.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, UBND xã Tân Đoàn đã tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho người dân, hướng dẫn người dân chuyển sang trồng những loại cây chịu hạn, ngắn ngày, đặc biệt, luân phiên phân bổ nước cho từng thôn, xóm… song đây chỉ là giải pháp tình thế. Muốn giải quyết được vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tại xã Tân Đoàn thì cần có sự đầu tư xây dựng các công trình cấp nước lớn và hoàn chỉnh. Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền huyện Văn Quan.
Ý kiến ()