Tân Dĩnh tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Chúng tôi về Tân Dĩnh khi biết tin Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) vừa nhận Cờ thi đua "Ðơn vị dẫn đầu cụm Ðông Bắc" năm 2012 (gồm bảy tỉnh). Mừng hơn nữa khi cũng vừa biết rằng HTX đã có tên trong danh sách khen thưởng của Liên minh HTX Việt Nam (trong số chín HTX về nông nghiệp của cả nước).
Chúng tôi về Tân Dĩnh khi biết tin Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) vừa nhận Cờ thi đua “Ðơn vị dẫn đầu cụm Ðông Bắc” năm 2012 (gồm bảy tỉnh). Mừng hơn nữa khi cũng vừa biết rằng HTX đã có tên trong danh sách khen thưởng của Liên minh HTX Việt Nam (trong số chín HTX về nông nghiệp của cả nước).
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Dĩnh Trần Văn Sỹ tiếp chúng tôi với phong cách của một nông dân chính hiệu: Ít nói, thẳng thắn và thường thể hiện quan điểm bằng hành động. Ông cho biết, HTX Tân Dĩnh được chuyển đổi theo mô hình như hiện nay từ năm 1997. Trước đó, toàn xã có bốn HTX nhỏ hình thành theo các cụm dân cư từ những năm 60 của thế kỷ trước, lúc đó chủ yếu phục vụ bà con nông dân giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tham gia làm thủy lợi. Số hộ tham gia cũng chỉ có vài trăm, hầu hết làm nông nghiệp. Trải qua hơn 15 năm hoạt động, đến nay HTX đã có 2.800 hộ với 5.300 lao động là thành viên, hoạt động trong tám khâu dịch vụ: Thủy lợi nội đồng; Khoa học kỹ thuật; Cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm; Bảo vệ thực vật; Tín dụng nội bộ; Nước sạch; Vệ sinh môi trường; Quản lý chợ xã. Bên cạnh những dịch vụ mang tính chất phục vụ bà con nông dân, chia sẻ công việc với UBND xã như quản lý trạm cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, Ban chủ nhiệm HTX quyết định tham gia đấu thầu quản lý khu chợ xã và mở rộng dịch vụ cung ứng vật tư kết hợp bao tiêu sản phẩm. Hai dịch vụ này góp phần lớn tạo ra kinh phí để HTX duy trì hoạt động cũng như để “trả lương” cho nhân công làm những việc khác. Hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm của một số loại giống cây trồng mà HTX đưa vào đồng ruộng Tân Dĩnh như giống lúa lai, cà chua bi, ớt, dưa bao tử xuất khẩu đã được khẳng định qua những vụ thu hoạch bội thu. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống của xã viên, bằng nguồn thu từ các dịch vụ, Ban chủ nhiệm HTX đã bảo đảm tốt đời sống cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Thế nhưng, để nói đến hiệu quả “tức thì”, tác động trực tiếp và “nhìn” ngay được đến đời sống mỗi hộ xã viên HTX phải nói đến dịch vụ cho vay tín dụng nội bộ. Như giải thích của Chủ nhiệm Trần Văn Sỹ, thực chất đó là tiền của bà con xã viên tổ chức luân chuyển giữa những người có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy số lượng vay không nhiều, chỉ là 40 triệu đồng một lần trong vòng một năm nhưng với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, cho nên bà con rất thích. Nhiều hộ nhờ nguồn vốn này mà cải thiện được kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo như hộ ông Lê Văn Quát, ở thôn Tân Cũ, ông Ngô Văn Thông, ở thôn Liên Sơn… Câu chuyện ông Thông nhờ nguốn vốn vay của HTX mà đầu tư phát triển hệ thống vườn – ao – chuồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm vẫn được các xã viên kể lại như một kỳ tích. Trước kia, do kinh tế khó khăn, gia đình ông hầu như bỏ hoang khoảnh đất rộng hơn một nghìn m2. Năm 2010, ông Thông được vay 40 triệu đồng đã đầu tư làm chuồng nuôi lợn, cải tạo ao cá kết hợp chăn thả một số gà, vịt. Chưa đầy một năm, ông đã trả hết cả vốn và lãi cho HTX đồng thời còn có tiền mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện, trại lợn của ông có 40 con lợn thịt, hai khu ao cá cũng sắp được thu hoạch, chưa kể đàn gà, vịt cũng sắp được xuất chuồng…
Hiện nay, HTX có nguồn vốn cho vay luân chuyển khoảng ba tỷ đồng, với khoảng 100 hộ đang sử dụng hiệu quả. Theo ông Sỹ, mặc dù nhu cầu của xã viên còn nhiều nhưng do nguồn vốn có hạn, lại thiếu cán bộ quản lý cho nên chưa thể đáp ứng nhu cầu, ưu tiên của quỹ tín dụng vẫn dành cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù đã có những kết quả tích cực nhưng ông Sỹ chia sẻ, trong hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Ðó là những bất cập về chính sách, về con người, nguồn vốn, thậm chí cả về phân công, phân nhiệm quản lý công việc. Ðiều đó đã hạn chế khả năng sáng tạo, tính chủ động, khiến hoạt động dàn trải, thiếu chiều sâu, nặng về thành tích hơn là hiệu quả thực tế.
Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh Nguyễn Văn Hà đánh giá: Hoạt động của HTX nông nghiệp góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí thứ 13, trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, với những đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, HTX nông nghiệp xứng đáng là đơn vị tiên phong trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ðể thấy hết được tầm quan trọng như đánh giá của lãnh đạo xã, có thể kể đến hoạt động của tổ dịch vụ nước sạch, tổ vệ sinh môi trường và tổ quản lý chợ. Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ giúp Tân Dĩnh ba năm liền đạt xã văn hóa, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, giảm tệ nạn xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()