Tạm thời giảm mật độ thả nuôi tôm thẻ chân trắng
Trước tình hình giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 4 đến nay, khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành tôm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị người nuôi tôm thẻ chân trắng cần tạm thời giảm mật độ thả. Khi thị trường có tín hiệu tốt sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong vài năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, ngành tôm nước ta đã rất sáng tạo, nỗ lực, hình thành một ngành sản xuất phát triển khá toàn diện. Đồng thời, có sự tiếp cận và phản ứng tốt trước diễn biến của thị trường, tranh thủ được cơ hội của thị trường.
Nhìn chung, ngành tôm Việt Nam đã tổ chức quản trị, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, liên tục đạt mức tăng trưởng cao. Tiếp đà phát triển những năm trước, 5 tháng đầu năm 2018, ngành tôm tiếp tục tăng trưởng khá. Trong đó, diện tích thả nuôi đạt 636.860 ha (bằng 102,5% so với cùng kỳ 2017), sản lượng thu hoạch đạt 195.750 tấn (bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017); kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đã đạt 1,02 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017).
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu cỡ từ 80-100 con/kg tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có dấu hiệu sụt giảm so với những tháng trước.
Nguyên nhân chính do nguồn cung trên thế giới tăng trong khi còn tồn kho tại thị trường nhập khẩu đã có tác động đến ngành tôm nước ta. Việc giảm giá tôm hiện mang tính khách quan, tạm thời đối với loại sản phẩm tôm chân trắng, cỡ nhỏ, chỉ diễn ra tại một số tỉnh tại ĐBSCL, tuy nhiên đã gây tâm lý lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ, không có liên kết.
Nếu không có những giải pháp xử lý kịp thời, chuỗi giá trị tôm khả năng sẽ bị tác động tiêu cực: Sụt giảm sản lượng, thiếu nguyên liệu chế biến trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành.
Nhằm ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng và thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành tôm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương cần thông tin kịp thời để người dân nắm rõ tình hình, thống nhất về nhận thức hành động, chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất. Người nuôi tôm cần bình tĩnh, không nên vội thu hoạch tôm non; đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, tạm thời giảm mật độ thả, giãn vụ, rải vụ. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro. Khi thị trường có tín hiệu tốt sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương có lợi thế cần tập trung phát triển nuôi tôm sú. Tiếp tục duy trì tốt chất lượng sản phẩm. Không sử dụng chất cấm, không lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; thực hiện sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi; tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam.
Về tiêu thụ sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần bám sát diễn biến cung, cầu và giá tôm ở thị trường thế giới, thông tin kịp thời tới các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Phát triển các kênh phân phối và đẩy mạnh tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kịp thời tháo gỡ các rào cản thương mại, khẩn trương xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 79/QĐ-Tg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển triển khai thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, của Tổng cục Thủy sản. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để ổn định và phát triển sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung ứng tôm giống, vật tư đầu vào và các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu tôm cần có giải pháp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Phát huy vai trò tiên phong trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị tôm; có các hành động cụ thể để giúp đỡ người nuôi tôm giảm bớt khó khăn như: Giảm giá bán vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, đẩy mạnh thu mua sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()