Tám tháng: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 13,1 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong tám tháng đạt 13,1 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ và số vốn ước tính đã thực hiện đạt 12 tỷ USD và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/8, đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) được cấp phép mới tại Việt Nam là 2.406 dự án với số vốn đăng ký 9,1 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, số liệu báo cáo từ Tổng cục Thống kê , ngày 29/8.
Bên cạnh đó, cả nước có 908 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm xấp xỉ 4 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD và giảm 31,2% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay đã có 5.235 lượt góp vốn , mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Về lĩnh vực kinh doanh, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký, thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản đạt 852,3 triệu USD, chiếm 9,3% và các ngành còn lại đạt gần 1,5 tỷ USD, chiếm 16,1%.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,9 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Hàn Quốc 1,7 tỷ USD, chiếm 18,9% và Nhật Bản gần 1,2 tỷ USD, chiếm 13%.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 102 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 339,5 triệu USD và 23 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm là 99,5 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng đạt 439 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 96,7 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 88,6 triệu USD, chiếm 20,2% đồng thời lĩnh vực chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 83,4 triệu USD, chiếm 19%.
Vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Australia là dẫn đầu với 178,9 triệu USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 59,8 triệu USD, chiếm 13,6% và Mỹ đứng kế tiếp với 49,3 triệu USD, chiếm 11,2%./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()