Tâm sự của một người 50 lần hiến máu tự nguyện
Được nghe câu chuyện về ông Lê Anh Tuấn, người trên dưới 50 lần tham gia hiến máu tình nguyện, tất cả mọi người đều vô cùng cảm động trước tình cảnh của một gia đình nghèo nhưng luôn có tấm lòng thương yêu con người. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai vừa được Bộ Y tế tặng bằng khen cho nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người mà ông đã tham gia tích cực trong nhiều năm nay. Tại hội nghị Tổng kết công tác hiến máu tình nguyện ngày 6/4, ông Tuấn cho biết như thói quen lâu ngày, cứ một tháng đều đặn một lần, ông xin nghỉ 2 tiếng đồng hồ trong giờ làm việc để tham gia hiến máu tình nguyện. Công việc này trở nên quen thuộc với ông Tuấn từ nhiều năm nay. Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên lần đầu tham gia hiến máu, ông Tuấn nói: “cũng tự nhiên lắm, trên đường đi làm, tôi đọc được băng rôn tuyên truyền vận động hiến máu, tôi tìm đến với Hội Chữ thập đỏ phường đăng ký và hỏi thêm những...
Được nghe câu chuyện về ông Lê Anh Tuấn, người trên dưới 50 lần tham gia hiến máu tình nguyện, tất cả mọi người đều vô cùng cảm động trước tình cảnh của một gia đình nghèo nhưng luôn có tấm lòng thương yêu con người. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai vừa được Bộ Y tế tặng bằng khen cho nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người mà ông đã tham gia tích cực trong nhiều năm nay.
Tại hội nghị Tổng kết công tác hiến máu tình nguyện ngày 6/4, ông Tuấn cho biết như thói quen lâu ngày, cứ một tháng đều đặn một lần, ông xin nghỉ 2 tiếng đồng hồ trong giờ làm việc để tham gia hiến máu tình nguyện. Công việc này trở nên quen thuộc với ông Tuấn từ nhiều năm nay. Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên lần đầu tham gia hiến máu, ông Tuấn nói: “cũng tự nhiên lắm, trên đường đi làm, tôi đọc được băng rôn tuyên truyền vận động hiến máu, tôi tìm đến với Hội Chữ thập đỏ phường đăng ký và hỏi thêm những kiến thức liên quan đến việc hiến máu. Qua tìm hiểu, tôi biết việc hiến máu tự nguyện không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận máu. Trước đây, qua các thông tin đại chúng, tôi biết được, nhu cầu máu cho điều trị còn thiếu rất nhiều và cũng có rất nhiều bệnh nhân chết do không có máu để truyền. Vì vậy , tôi xem đây là công việc cứu người cần phải làm”.
Rất nhiều câu chuyện của những người tham gia hiến máu tình nguyện luôn khiến người nghe xúc động bởi tấm chân tình họ dành cho đồng loại. Tuy nhiên có thể câu chuyện của ông Tuấn làm cho nhiều người phải chú ý hơn cả vì tinh thần vượt khó, vượt lên hoàn cảnh và sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng những gì mình có thể. Câu nói của ông Tuấn gợi lại trong chúng tôi niềm thương cảm sâu sắc “Gia đình không có gì đáng giá để cống hiến cho xã hội cả, chúng tôi chỉ có máu và tấm chân tình, hy vọng góp phần nhỏ để có thể giúp ích cho xã hội”.
Thực sự, hoàn cảnh của gia đình ông Tuấn rất khó khăn. Bản thân ông không có nghề nghiệp ổn định, tham gia làm bảo vệ tại một công ty, nhưng nghe đâu, công ty làm ăn thất bát nên tiền lương tháng có- tháng không, tuổi cao sức yếu nên ông cũng khó bề trong việc tìm làm ở chỗ này hay chỗ nọ. Hiện ông 3 đứa con nhưng chưa có gia đình, mẹ già trên 70 tuổi bị bệnh kinh niên, khi khỏe bà cũng có thể đẩy xe bán hàng rong, nhưng số thu nhập kiếm được cũng không đủ mua thuốc thang cho tuổi già. Điều ông ngậm ngùi nhất là người vợ của ông vừa mới qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Ông Tuấn kể, được ông thuyết phục, bà cũng nhiều lần tham gia hiến máu, cả trên thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa. Khi sức khỏe yếu đi, bệnh tật hoành hành, bà không thể tham gia hiến máu nhưng cũng động viên các con tham gia vào nghĩa cử cao đẹp này. Đối với ông Tuấn, việc vợ mình đau ốm rồi qua đời là một mất mát lớn lao, qua đó ông hiểu được giá trị của sự sống quan trọng đến mức nào. Việc ông tham gia hiến máu cũng với mong muốn sẽ góp phần đem lại sự sống cho những người bệnh đang vật lộn để giành giật sự sống. “Tôi thực sự hạnh phúc vì còn có thể góp một phần nhỏ cho xã hội”, ông Tuấn nói.
Được biết, ngoài việc tích cực hiến máu tình nguyện thường xuyên, năm 2002, ông Tuấn còn tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục hiến xác sau khi qua đời. “Tôi thấy việc đó rất bình thường và tự nhiên lắm. Tôi muốn cống hiến cơ thể của mình cho nền y học nước nhà vì tôi nghĩ rằng, phần cơ thể của mình góp phần tạo nên một thành quả nào đó trong công tác điều trị bệnh “.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()