Tầm soát để ngăn chặn căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ
Với sự phát triển của khoa học-công nghệ và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực y khoa, ngày càng nhiều giải pháp điều trị bệnh ung thư vú được áp dụng, đem lại chất lượng điều trị tốt hơn và giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, quá trình điều trị đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, mà cũng cần sự phối hợp và tuân thủ của người bệnh.
Ung thư vú là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư vào năm 2022, mỗi năm, nước ta ghi nhận 24.563 ca ung thư vú mới, chiếm 28,9% tổng số ca ung thư ở nữ giới và có khoảng 10 nghìn phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thu Hà, Trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) cho biết, ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam, nhưng tỷ lệ bệnh nhân chẩn đoán ở giai đoạn III, IV còn cao và xu hướng tuổi người mắc ung thư vú trẻ hóa. Một số nghiên cứu cho thấy, có tới 15% số bệnh nhân dưới 40 tuổi, 45% số bệnh nhân dưới 50 tuổi được chẩn đoán ung thư vú di căn. Dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, song ung thư vú vẫn là gánh nặng với tiên lượng kém trên một số nhóm bệnh nhân. Tỷ lệ sống hơn 5 năm ở những bệnh nhân di căn chỉ khoảng 30% và bệnh nhân tái phát chỉ 17%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, điều trị nội tiết, điều trị miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ. Với những người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị toàn thân. Ở giai đoạn tại chỗ thì phương pháp điều trị là hóa trị hoặc sinh học, phẫu thuật, xạ trị, điều trị hỗ trợ. Đến giai đoạn di căn thì các phương án điều trị là hóa trị, nội tiết, sinh học... nhưng cũng chỉ là điều trị kéo dài. Việc chọn phương án điều trị ung thư vú phải dựa trên đặc điểm bệnh lý (giai đoạn bệnh, đặc điểm mô bệnh học, các đột biến gien, tiến triển bệnh...) cũng như đặc điểm bệnh nhân (thể trạng, tuổi, bệnh lý đi kèm). Ở giai đoạn nào hay phương pháp gì thì việc tuân thủ điều trị rất quan trọng, giúp điều trị hiệu quả ở mức cao nhất và chi phí hợp lý. Mặt khác, tâm lý người bệnh phải thoải mái, sống vui-sống khỏe-sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý... để giúp tuân thủ điều trị tốt nhất.
Các chuyên gia chuyên ngành ung thư cũng lưu ý, bên cạnh nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế thì trong quá trình tìm hiểu thông tin về bệnh, nhiều người dễ dàng gặp phải những thông tin không chính thống, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và cũng không ít người khi phát hiện bệnh lại chưa tuân thủ điều trị do thiếu động lực, thiếu niềm tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ, hoặc tìm đến những hình thức điều trị chưa được khoa học chứng minh.
Hiện nay, y học đã đạt nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư vú, từ phẫu thuật, xạ trị, hóa trị cho đến các phương pháp tiên tiến như liệu pháp nội tiết, nhắm trúng đích và miễn dịch. Những bước tiến này đã nâng cao chất lượng điều trị, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân. Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1,2) đã đạt 76,6% so với 52,4% ở thời kỳ những năm 2008-2010.
Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 90%, thậm chí với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, tỷ lệ sống thêm 10 năm ở giai đoạn sớm là hơn 80%.
Ý kiến ()