Tầm soát bệnh tật sơ sinh: Để trẻ có khởi đầu khoẻ mạnh
– Tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kịp thời phát hiện để can thiệp điều trị những dị tật bẩm sinh ở trẻ từ những ngày đầu đời. Qua đó để trẻ có được khởi đầu khoẻ mạnh.
Cán bộ TTYT huyện Bắc Sơn thực hiện lấy máu gót chân cho trẻ
Sàng lọc sơ sinh là xét nghiệm bằng phương pháp lấy máu gót chân trẻ sau sinh từ 48 đến 72 giờ đồng hồ nhằm phát hiện sớm các bệnh rối loạn bẩm sinh liên quan đến nội tiết, chuyển hoá, di truyền thường gặp như: thiếu men G6PD (gây vàng da, thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động), bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), suy giảm bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh… từ đó có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xã hội hoá sàng lọc sơ sinh với 4 gói dịch vụ kỹ thuật cao gồm: gói cơ bản 8 bệnh; gói 8 bệnh các bệnh hemoglobin; gói 73 bệnh và gói cao cấp babygene. Trong đó gói 8 bệnh các bệnh hemoglobin được nhiều người lựa chọn sử dụng.
Cả hai lần sinh con, chị Lý Thị Sênh, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đều lựa chọn thực hiện biện pháp sàng lọc sơ sinh. Chị Sênh cho biết: Được các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã tuyên truyền trong những lần tiêm chủng, tôi hiểu rõ việc sàng lọc sơ sinh sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho con nếu chẳng may con mắc bệnh, tật. Vì vậy, từ khi sinh bé đầu năm 2019 và sinh bé thứ hai hồi tháng 7/2023, vợ chồng tôi đều lựa chọn sàng lọc gói 8 bệnh các bệnh hemoglobin cho con.
Giống như chị Sênh, nhiều bà mẹ trên địa bàn tỉnh cũng lựa chọn sàng lọc sơ sinh để con có một khởi đầu trọn vẹn. Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, năm 2022 có 5.552 trẻ được sàng lọc (chiếm 57,3% tổng số trẻ sinh ra, vượt kế hoạch giao); 6 tháng đầu năm 2023 có 1.998 trẻ được sàng lọc sơ sinh (chiếm 44,6%, tổng số trẻ sinh ra, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022). Qua sàng lọc đã phát hiện 178 mẫu nguy cơ cao với các bệnh như: thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh…
Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sàng lọc sơ sinh, hằng năm, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề nghị trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức cho người dân, nhất là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc sơ sinh, cụ thể là kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh cho các y, bác sĩ của các TTYT huyện, thành phố; tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên dân số về kỹ năng tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện sàng lọc sơ sinh cho con… Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng như: tuyên truyền miệng; qua loa truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã… Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 920 buổi tuyên truyền cho hơn 30.000 lượt người về nội dung sàng lọc sơ sinh; phát trên 4.800 tờ rơi các loại…
Huyện Lộc Bình là đơn vị thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ hằng năm luôn đạt tỷ lệ cao hơn so với bình quân của tỉnh. Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng Phòng Dân số, TTYT huyện Lộc Bình cho biết: Xác định sàng lọc sơ sinh góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, từ năm 2016, phòng đã tham mưu lãnh đạo TTYT huyện triển khai theo cơ chế xã hội hoá; phối hợp với Khoa Sức khoẻ sinh sản của TTYT tích cực tuyên truyền đến các sản phụ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích của sàng lọc sơ sinh. Hiện nhiều người dân đã chủ động chi trả để sàng lọc cho con, từ đầu năm 2022 đến nay, TTYT huyện đã sàng lọc cho 724 trẻ, chiếm gần 50% tổng số trẻ sinh ra.
Việc sàng lọc sơ sinh đối với trẻ trong những ngày đầu đời là rất quan trọng, bởi khi được phát hiện, điều trị sớm các bệnh tật bẩm sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này, từ đó giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Để tăng tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, thời gian tới, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho người dân về lợi ích của sàng lọc sơ sinh; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh; phấn đấu đến năm 2030 có 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến.
Ý kiến ()