Tầm quan trọng của ‘hình thức’ sản phẩm
Bao bì, mẫu mã sản phẩm là các yếu tố có tác động trực tiếp đến quá trình tiếp thị, quảng cáo của một thương hiệu. Do vậy, doanh nghiệp (DN) phải nắm được diễn biến thị trường và tâm lý, hành vi người tiêu dùng để có thể thiết kế, đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Sản phẩm chất lượng với bao bì đẹp, tiện dụng sẽ giúp thu hút nhiều khách hàng hơn. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Tại hội thảo “Phát triển thiết kế, nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/12 tại TPHCM, theo nhận định của các chuyên gia thị trường, do yếu khâu thiết kế nên các sản phẩm thủ công nghiệp của các DN Việt Nam dù có chất lượng nhưng vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Cụ thể, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là một ví dụ. Một số mặt hàng như sơn mài, hàng mây tre đan mang đặc trưng dân tộc đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng đến từ châu Âu và châu Mỹ.
Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm của ngành này chưa có thương hiệu mạnh, chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng giá cả thị trường; thiếu sự tiện dụng và tính sáng tạo.
Trong các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa gần đây giữa các DN sản xuất Việt Nam và các nhà phân phối lớn như Lotte Mart, Aeon, BigC hay Saigon. Co.op… bên cạnh việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, một yêu cầu được các nhà phân phối lớn đặt ra là khâu thiết kế bao bì sản phẩm phải “bắt mắt”, tiện dụng và thu hút được người tiêu dùng.
Đánh giá về tầm quan trọng của bao bì sản phẩm, theo bà Huỳnh Bích Trân, Phó Giám đốc, Bộ phận Đo lường bán lẻ của Công ty Nielsen Việt Nam, bao bì, mẫu mã sản phẩm là các yếu tố có tác động trực tiếp đến quá trình tiếp thị, quảng cáo của một thương hiệu.
Bao bì không chỉ bảo vệ sản phẩm, giúp việc sử dụng được thuận tiện dễ dàng mà còn là công cụ cung cấp thông tin sản phẩm và marketing hiệu quả cho một thương hiệu. Do vậy, DN phải nắm được diễn biến thị trường và tâm lý, hành vi người tiêu dùng để có thể thiết kế, đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong quá trình toàn cầu hóa, các DN Việt Nam đang đứng trước rất nhiều những thách thức và các cơ hội mới, đòi hỏi công tác xúc tiến thương mại phải liên tục đổi mới để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Để hỗ trợ các DN ngành thủ công nghiệp Việt Nam phát triển thiết kế, nâng cao chuỗi giá trị, ngày 5/12 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”, giai đoạn 2017-2020.
Điểm nhấn của Dự án là việc phối hợp xây dựng và thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội do Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) – Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc hỗ trợ. Trung tâm sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực thiết kế, đào tạo, hội thảo tư vấn về thiết kế cho các DN Việt Nam và kết nối giữa các DN Việt với các nhà thiết kế trong, ngoài nước. Bên cạnh đó Dự án cũng thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử để giúp DN Việt tiếp cận trực tiếp người dùng, giảm chi phí khâu trung gian và nâng cao lợi nhuận cho DN.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()