Tầm quan trọng của các môn học Lịch sử, Đạo đức
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không phải là một trong 4 “tư lệnh” ngành được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nhưng nhiều vấn đề đặt ra trong lĩnh vực giáo dục vẫn được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, trong đó, vấn đề có nên đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc hay tự chọn ở bậc trung học phổ thông (THPT) được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Thay mặt Chính phủ trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề này, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ: Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 4 đến lớp 9). Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử là môn học thuộc tổ hợp khoa học xã hội. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan, tổ chức hội thảo để đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, đề xuất phương án phù hợp.
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học lịch sử bằng trải nghiệm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19).Ảnh: TRÀ MY |
Thực tế, theo chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT công bố thì trong giai đoạn THPT, học sinh phải học 7 môn học bắt buộc và 5 môn học tự chọn. 5 môn học tự chọn được học sinh chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm, học sinh phải chọn ít nhất 1 môn học). Đó là nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Như vậy, Lịch sử thuộc nhóm môn học học sinh tự chọn. Với tình cảnh hiện tại, nguy cơ học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử là có thật. Thực tế thời gian qua cho thấy, có hội đồng thi tốt nghiệp THPT chỉ một học sinh chọn thi môn Lịch sử. Chính điều này khiến cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng.
Có lẽ, ai cũng đồng ý rằng giáo dục trẻ em trở thành người tử tế, thành công dân tốt thậm chí còn quan trọng hơn dạy kiến thức. Để trở thành người tử tế, công dân tốt thì học sinh cần học tốt hai môn học là Lịch sử và Đạo đức (giai đoạn THCS gọi là môn Giáo dục công dân và giai đoạn THPT gọi là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, lứa tuổi học THPT là giai đoạn hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc và quy tắc định hướng giá trị của con người. Trong khi đó, Lịch sử là môn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng; lòng yêu nước; truyền thống và niềm tự hào, tự tôn dân tộc; hình thành phẩm chất của công dân.
Còn môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật trang bị cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Bởi thế, ý kiến của phần đông cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội là cần xác định môn Lịch sử phải trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT. Người ta có thể không cần phải ứng dụng tích phân kiến thức Toán học trong rất nhiều công việc sau này, nhưng những bài học về lịch sử, về đạo đức và pháp luật sẽ luôn đồng hành với mỗi con người.
Ý kiến ()