Tam nông ở miền núi còn nhiều khó khăn
Hội thảo đầu bờ về giống ngô mới ở Con Cuông-Nghệ An. Nước ta có ba phần tư diện tích là rừng núi, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế miền núi, nhưng nhìn chung vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn miền núi đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ như tỷ lệ hộ nghèo còn cao; sản xuất hàng hóa miền núi chưa phát triển; bộ mặt nông thôn miền núi vẫn chưa có nhiều thay đổi...Trong khi ở thành thị, đồng bằng kinh tế thị trường đang từng ngày kích thích phát triển hàng hóa, để không ngừng nâng cao đời sống thì ở miền núi, nhất là vùng núi cao, chưa có hàng hóa gì ngoài các lâm sản phụ và chăn nuôi. Miền núi diện tích đất sản xuất ít, thậm chí rất ít, nhiều nơi không có đất bằng để trỉa lúa trồng ngô. Giải quyết cái ăn ở đây còn đang là bài toán nan giải. Chỉ tính riêng ở huyện núi thấp Con Cuông (Nghệ An), toàn bộ diện tích tự nhiên là 174.451,15 ha trong...
|
Nước ta có ba phần tư diện tích là rừng núi, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế miền núi, nhưng nhìn chung vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn miền núi đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ như tỷ lệ hộ nghèo còn cao; sản xuất hàng hóa miền núi chưa phát triển; bộ mặt nông thôn miền núi vẫn chưa có nhiều thay đổi…
Trong khi ở thành thị, đồng bằng kinh tế thị trường đang từng ngày kích thích phát triển hàng hóa, để không ngừng nâng cao đời sống thì ở miền núi, nhất là vùng núi cao, chưa có hàng hóa gì ngoài các lâm sản phụ và chăn nuôi. Miền núi diện tích đất sản xuất ít, thậm chí rất ít, nhiều nơi không có đất bằng để trỉa lúa trồng ngô. Giải quyết cái ăn ở đây còn đang là bài toán nan giải. Chỉ tính riêng ở huyện núi thấp Con Cuông (Nghệ An), toàn bộ diện tích tự nhiên là 174.451,15 ha trong đó có gần 130 nghìn ha là rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ được bảo vệ và quản lý nghiêm ngặt; 20 nghìn ha diện tích mặt nước, chỉ còn lại gần 20 nghìn ha là đất ở, đất sản xuất và phi sản xuất, nếu đem số diện tích đất trên chia cho đầu người, tính ra chưa đầy 300 m2/người. Đất sản xuất ở miền núi lại có tầng phù sa mỏng, độ chua trong đất cao. Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất, năng suất lúa, ngô đạt cao, đã đội trần và không thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, không thể đưa năng suất cao thêm nhiều nữa. Ngoài sản xuất nông nghiệp, còn có một số nghề phụ như đan lát, dệt thổ cẩm, làm chăn, gối, nệm bông lau, nhưng lâu nay các mặt hàng này khó tiêu thụ. Sản phẩm hàng hóa miền núi lâu nay cũng chỉ vài con trâu, bò, mùa măng có thêm nguồn măng rừng… Các loại nguyên liệu cung cấp về xuôi như gỗ, nguyên liệu giấy, các sa khoáng sản trong đất…, tất cả ở dạng nguyên liệu thô phục vụ cho các nhà máy ở miền xuôi. Miền núi chưa có một làng nghề hay làng có nghề nào để làm hàng hóa. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế miền núi vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao nếu không nói là toàn bộ; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ thương mại rất thấp. Để phát triển hàng hóa giải quyết vấn đề nông nghiệp miền núi, Đảng và Nhà nước cần đầu tư đưa nhà máy công nghệ cao về miền núi, vừa giải quyết lao động dư dôi, tạo hàng hóa, giảm sức ép về vấn đề nhà ở và các nhu cầu khác. Lâu nay, các Chương trình như 135-CP; 134-CP… của Chính phủ tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông hay điện, trường học…, mà chưa đầu tư để mở các nhà máy khai thác và chế biến nguyên liệu, tạo sản xuất hàng hóa tại miền núi.
Theo số liệu thống kê, cả nước có 62 huyện nghèo thì hầu hết đó là các huyện miền núi cao, biên giới, trong đó có một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% trở lên. Nếu như ở miền núi nghề rừng là nghề quen thuộc của người dân, thì nay rừng đi vào quản lý khoanh nuôi, bảo vệ, trong khi công bảo vệ rừng mỗi ha là 50 nghìn đồng/năm, chưa đủ tiền để mua đồ bảo hộ. Chăn nuôi là thế mạnh của miền núi, nhưng do tập quán chăn thả rông, cũng như các dịch vụ cung ứng thức ăn, dịch vụ thú y chưa có nên chủ yếu phát triển theo quy mô nhỏ, rủi ro cao. Việc giải quyết đầu ra sản phẩm cũng theo mùa vụ, do tư thương chi phối. Chưa tính đến lâu nay lũ quét, lũ ống, rét đậm, rét hại luôn rình rập, đe dọa sản xuất, chăn nuôi và xây dựng, phát triển kinh tế miền núi.
Phải công nhận rằng, lâu nay Đảng và Nhà nước đã tích cực đầu tư phát triển nông thôn miền núi. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế và chợ ở nhiều vùng quê miền núi được xây dựng, nhưng nhìn chung hạ tầng cơ sở ở miền núi chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, nhất là giao thông và điện. Đường giao thông lên miền núi còn rất khó khăn, phần lớn đường giao thông mới đến trung tâm các xã, chưa đến nhiều các thôn, bản. Trong khi yếu tố thị trường đòi hỏi giao thông phải thuận tiện để giảm nhẹ cước phí vận chuyển. Yếu tố điện, nước sạch về miền núi chưa nhiều và thường không ổn định hay bị mất điện không được báo trước, giá điện lại cao, hệ thống đường dây điện thường mang tính phục vụ sinh hoạt, không đáp ứng điện sản xuất như điện ba pha, cường độ dòng điện lớn, công suất các biến áp nhỏ. Hệ thống nước sạch thiếu, các loại dịch vụ văn hóa, y tế… còn nhiều hạn chế nếu muốn đầu tư phát triển kinh tế miền núi thì phải đầu tư từ A đến Z, đây là nguồn kinh phí quá sức của nhà đầu tư. Mấy năm nay, chúng ta đang phát động phong trào xóa nhà tạm bợ, dột nát theo tinh thần tương thân, tương ái và Chương trình 134-CP của Chính phủ, nhưng nhìn chung cũng mới giải quyết cho những đối tượng từ 35 tuổi trở lên và gia đình chính sách. Nên tỷ lệ nhà tranh, nhà tạm bợ còn khá nhiều, mặt khác do sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún cộng với tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, đây cũng là tác nhân không nhỏ cản trở sự phát triển đi lên của nông thôn miền núi. Đây cũng là bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()