"Tam nông" ở đồng bằng sông Cửu Long
Nạo vét các kênh, mương lấy nước tưới cho cây trồng. Sau ba năm (2008-2011) thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) đã tạo nên một sức sống mới đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mở ra hướng phát triển bền vững cho vựa lúa lớn nhất nước. Từ đó góp phần nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn miền tây Nam Bộ.Mầu xanh lúa mớiNhìn cánh đồng lúa đang trổ bông, nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không giấu được vẻ phấn khởi và niềm hy vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu. Gia đình ông Cường có một ha đất trồng lúa. Vụ đông xuân này là vụ lúa thứ tư ông tham gia sản xuất theo mô hình hiện đại trong cánh đồng mẫu lớn. Nếu như trước đây mỗi lần đến thời điểm xuống giống, gia đình ông Cường phải chạy đôn, chạy đáo khắp các đại lý để hỏi mua phân bón, thuốc trừ sâu nợ đến cuối vụ, khi...
Nạo vét các kênh, mương lấy nước tưới cho cây trồng. |
Sau ba năm (2008-2011) thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) đã tạo nên một sức sống mới đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mở ra hướng phát triển bền vững cho vựa lúa lớn nhất nước. Từ đó góp phần nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn miền tây Nam Bộ.
Mầu xanh lúa mới
Nhìn cánh đồng lúa đang trổ bông, nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không giấu được vẻ phấn khởi và niềm hy vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu. Gia đình ông Cường có một ha đất trồng lúa. Vụ đông xuân này là vụ lúa thứ tư ông tham gia sản xuất theo mô hình hiện đại trong cánh đồng mẫu lớn. Nếu như trước đây mỗi lần đến thời điểm xuống giống, gia đình ông Cường phải chạy đôn, chạy đáo khắp các đại lý để hỏi mua phân bón, thuốc trừ sâu nợ đến cuối vụ, khi thu hoạch lúa sẽ trả với lãi suất từ 5 đến 10%, thì giờ đây nỗi lo này không còn. Từ khi tham gia mô hình sản xuất hợp tác kiểu mới, gia đình ông Cường và những nông dân khác đều được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cung ứng trước giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và còn hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Ông Cường khẳng định: “Tham gia sản xuất theo mô hình mới này nông dân được hưởng lợi lớn. Từ lúa giống, phân bón, vật tư đều cung ứng cho nông dân giá gốc mà còn không tính lãi. Đến khi thu hoạch, nông dân được vận chuyển lúa miễn phí, được sấy lúa và lưu trữ không tính tiền nếu chưa muốn bán. Chúng tôi không còn lo đầu ra cho hạt lúa vì AGPPS đã bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 đồng/kg trở lên. Quan trọng nhất là năng suất cao, trung bình từ 8,5 tấn/ha, có nhiều hộ canh tác tốt đạt đến hơn mười tấn/ha, lợi nhuận tăng gấp hai lần. Nhờ vậy nông dân vô cùng phấn khởi vì nhiều hộ từ khó khăn nay đã khấm khá, mở ra hướng làm giàu cho người trồng lúa”.
Xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những vùng đất hoang hóa, phèn chua, đất mặn, đời sống người dân khi mới thành lập xã (năm 1995) hết sức khó khăn. Lúc bấy giờ trên cánh đồng chỉ có cây mì và cây tràm là sống nổi. Thế nhưng bằng sự quyết tâm làm thay đổi một vùng đất mới, Đảng bộ và nhân dân xã Lương An Trà tập trung cải tạo đồng ruộng, cùng việc đầu tư các công trình thủy lợi, thau chua, rửa mặn, giúp cây lúa bén duyên với mảnh đất này. Bây giờ, Lương An Trà là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào đồng ruộng. Với diện tích trồng lúa 7.300 ha, Lương An Trà là nơi có những cánh đồng lớn và kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh An Giang do chính người nông dân tạo nên. Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Nguyễn Hoàng Vĩnh cho biết: Người nông dân ở đây chịu thương, chịu khó và sáng tạo, năng động trong sản xuất. Nơi đây gần như đã “lột xác” hoàn toàn với những nét đổi thay. Kinh tế – xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp không ngừng phát triển. Cách đó không xa là xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn. Cũng như Lương An Trà, Lạc Quới là vùng đất mới khai phá với đầy khó khăn và thách thức. Từ năm 1997, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đào hệ thống kênh T4, T5, T6 thoát lũ ra Biển Tây và cải tạo đồng ruộng, đã đánh thức tiềm năng của vùng đất này. Lão nông Nguyễn Văn Sơn khoe: “Năng suất lúa ở đây bình quân đạt 6,5 đến 7 tấn/ha. Ngoài hai vụ lúa chính, Nhà nước còn đầu tư hệ thống đê bao để làm lúa vụ ba. Những cánh đồng lúa bạt ngàn như tấm thảm xanh trải dài xa tít cho thấy sức sống mới và diện mạo của vùng đất nằm sát mép Biển Tây đang từng ngày thay đổi. Điện, đường, trường, trạm đều có đủ, Lạc Quới sẽ cất cánh đi lên làm giàu trong nay mai”.
Thu hoạch lúa.
Khởi sắc những vùng quê
Men theo con đường còn thơm mùi nhựa mới, chúng tôi đi sâu vào xóm làng ở Lạc Quới. Con đường quê là bờ kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) giờ đã phủ kín những mái nhà ngói, nhà tường. Ông Nguyễn Văn No (59 tuổi) cho biết: Điện chiếu sáng đã về làng mấy năm trước, tụi nhỏ tối học bài khỏe re, nước thì cũng có nước máy rồi. Trường học, trạm y tế, chợ cũng dời vào đầu kênh cho nên muốn mua cái gì cũng thuận tiện. Nói thật chứ nằm mơ tôi cũng không nghĩ được cái xứ Lạc Quới này đổi thay như hôm nay. Trẻ em vùng Lạc Quới, Vĩnh Phước ven tuyến kênh giờ có thể tự đến trường gần ngay đầu vàm. Con tôi đã vào đại học. Trong xóm này còn nhiều cháu khác học hành rất giỏi. Cỡ năm, bảy năm nữa sẽ có những kỹ sư, cử nhân thế hệ đầu tiên là con em vùng đất hoang hóa này.
Không riêng một địa phương nào, từ khi Nghị quyết tam nông đi vào cuộc sống đã thật sự phát huy hiệu quả và tác động tích cực đến đời sống, kinh tế – xã hội, làm phần lớn những vùng quê ở ĐBSCL ngày thêm khởi sắc. Đến xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của một xã thuần nông. Những căn nhà tường, mái ngói đỏ san sát đường quê. Đường nông thôn bây giờ được rải nhựa thẳng tắp, xe cộ chạy bon bon, nối từ xóm ấp đến trung tâm xã và huyện. Ông Lê Văn Út, đang sơn lại hàng rào trước nhà khoe: “Căn nhà tường đã được chỉnh trang, nâng cấp hồi trước Tết Nguyên đán, nhưng bận nhiều việc quá cho nên qua Tết mới làm nốt hàng rào cho kiên cố. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, 300 hộ dân ở đây đã hiến hơn 100 nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông. Nhờ vậy rút ngắn thời gian và khoảng cách đi lại từ đây lên xã, ra trung tâm huyện. Chỉ mới hai năm nay thôi, diện mạo vùng quê heo hút ngày nào đã hoàn toàn thay đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc, bà con phấn khởi lắm”.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, tỉnh vận dụng Nghị quyết tam nông và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách linh hoạt để thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực nông thôn phát triển. “Chúng tôi không áp dụng đại trà mà chọn lựa những tiêu chí cơ bản dễ đáp ứng hoặc phù hợp tình hình thực tế từng địa phương để thực hiện. Cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sắc về tam nông và xem chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Qua hơn ba năm, từ nguồn ngân sách tỉnh đã đầu tư trực tiếp hơn 417 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chủ yếu là đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, cấp nước sạch, trạm y tế… Chuyển biến rõ rệt nhất là bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể” đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()