Chủ nhật, 24/11/2024 00:36 [(GMT +7)]
Tầm nhìn xa trong quy hoạch giáo dục
Thứ 4, 11/05/2011 | 08:35:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Vượt qua giai đoạn khó khăn trong những năm cuối của thế kỷ XX, bước vào thế kỷ XXI, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự giúp đỡ của nhân dân, giáo dục Lạng Sơn đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô, chất lượng cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu QG về GD&ĐT.
Sau 10 năm phấn đấu, đến cuối năm 2010, số trường học của tỉnh tăng 252 trường so với năm 2001. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp các cấp năm sau tăng hơn năm trước. Từ một tỉnh ở vị trí “ áp chót” về chất lượng, 10 năm qua, Lạng Sơn đã vươn lên đạt mức trung bình trong cả nước và là một trong những tỉnh xếp loại khá về chất lượng trong số 15 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc. Các phong trào, các cuộc vận động được triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo hiệu quả cao. Đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa, không những đáp ứng được yêu cầu của phát triển, mà còn được nâng cao về chất lượng. Cơ sở vật chất trường lớp học được cải thiện và tăng cường theo hướng hiện đại hóa. Số phòng học được đầu tư kiên cố đạt 58,84%, số phòng học tạm giảm hẳn.
Do thực hiện tốt quy hoạch nên Trường Tiểu học Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn) có đủ diện tích đất để nâng cấp mở rộng, xây trường chuẩn quốc gia |
Tuy vậy, chất lượng GD vùng nông thôn vùng cao, biên giới và vùng khó khăn còn thấp; việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng giảng dạy tin học, ngoại ngữ tại các nhà trường chưa cao. Hệ thống, mạng lưới trường lớp học, nhất là cấp học MN chưa đồng bộ và hoàn chỉnh; hoạt động của các trung tâm HTCĐ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đứng trước giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới; trong điều kiện lao động trong tỉnh dồi dào nhưng tỷ lệ qua đào tạo còn thấp, thiếu lao động kỹ thuật, có tay nghề…Sự cần thiết phải có sự quy hoạch GD&ĐT trong cả một giai đoạn 10 năm. Quy hoạch đồng bộ và toàn diện từ cấp học mầm non đến THPT, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Việc UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển GD tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020 thể hiện quan điểm GD toàn diện của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa công tác GD&ĐT đã được Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh thông qua. Đây là quy hoạch mang tầm chiến lược để có thể cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động trẻ có đạo đức, có trình độ học vấn, được đào tạo nghề…đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và cung ứng cho thị trường lao động.
Bằng sự “phân chia” hai giai đoạn để đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể như thành lập mới các trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD, nâng cao chất lượng GD toàn diện, tăng cường CSVC, trong đó có xây dựng cơ bản và các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy học tập; thực hiện tốt các chính sách về giáo dục dân tộc, giáo dục chuyên biệt, quy hoạch đã nêu lên cụ thể giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn ấy. Theo quy hoạch, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn quan trọng nhất, cũng là “nặng nề” nhất với việc thành lập mới 96 trường, trong đó có đến 84 trường MN, 4 trường THCS và 5 trường THPT; tăng tỷ lệ huy động người học tại các trung tâm GDTX cũng như tại các trung tâm HTCĐ. Số trường chuẩn QG tăng 66 trường so với năm 2010, trong đó có ít nhất 10 trường thuộc vùng ĐBKK. Thành lập thêm 33 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tăng cường các nguồn lực để đảm bảo “3 đủ” cho học sinh dân tộc thiểu số…Nếu thực hiện được các mục tiêu cụ thể của giai đoạn này, thì sang giai đoạn 2016-2020, công việc sẽ “nhấn” vào chất lượng hoạt động, với việc thành lập thêm 10 trường tiểu học, 4 trường THPT, 26 trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường CSVC và nâng cao chất lượng các cấp học trong hệ phổ thông và các trường chuyên nghiệp, phấn đấu thành lập trường ĐH Lạng Sơn. Phấn đấu có trên 50% lao động qua đào tạo.
Nhìn vào số tiền “khổng lồ” trên 29.500 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn đã khiến không ít người “giật mình”, song trên thực tế, việc chi thường xuyên đã là trên 22.700 tỷ đồng. Nếu phân định các nguồn, thì ngân sách nhà nước đảm bảo là trên 28.600 tỷ đồng; nguồn tài trợ và vốn vay là 423 tỷ và nguồn huy động trong dân, các tổ chức xã hội và người học là trên 440 tỷ đồng.
Quy hoạch có 10 đề án, dự án triển khai như xây dựng xã hội học tập; xây dựng CSVC kỹ thật nhà trường; tin học hóa hệ thống QLGD; dạy và học môn tin học; dạy và học môn ngoại ngữ; phát triển hệ thống ĐH-CĐ; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD; trường chuyên biệt; trường chuẩn QG…có những đề án, dự án ngành đang thực hiện và đạt tiến độ nhanh như tin học hóa hệ thống QLGD, dạy tin học, ngoại ngữ, xây dựng trường chuẩn QG…Song có những vấn đề mới đòi hỏi sự nỗ lực cao của toàn ngành cũng như trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành và UBND các địa phương, nhất là đất đai cho giáo dục.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()