Tầm nhìn và mục tiêu mới của Chiến lược An toàn giao thông đường bộ
Tại Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu về An toàn giao thông (ATGT) đường bộ lần thứ 3 tổ chức tại Xtốc-khôm (Thụy Điển) trong hai ngày 19 và 20-2-2020, dựa trên đánh giá kết quả thực hiện Thập kỷ hành động về ATGT đường bộ giai đoạn 2011-2020, Hội đồng bộ trưởng, đại diện các quốc gia đã thống nhất đưa ra “Tuyên bố Xtốc-khôm” xác định mục tiêu cắt giảm 50% số lượng thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đến năm 2030.
Tai nạn giảm sâu cả ba tiêu chí
Năm 2008, Luật Giao thông đường bộ được ban hành thể hiện cam kết của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao ATGT đường bộ. Năm 2011, Chính phủ ra Nghị quyết 88/2011/NQ-CP ngày 23-8-2011 nhằm tăng cường các hành động, chương trình giảm ùn tắc và nâng cao ATGT đường bộ. Tiếp đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4-9-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1586/2012/QĐ-TTg (gọi tắt là Chiến lược 2020). Chiến lược này bao gồm các giải pháp, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng an toàn hơn; người tham gia giao thông an toàn hơn; phương tiện an toàn hơn; ứng phó sau TNGT nhanh hơn và quản lý ATGT tốt hơn. Nhìn lại về cơ sở hạ tầng, đến cuối năm 2018, chiều dài đường bộ tăng thêm gần 388 nghìn km (138%); chiều dài quốc lộ tăng thêm gần 7.000 km (39%); đường bộ cao tốc nâng lên 16 tuyến với tổng chiều dài 977 km, bằng 10,7 lần so với năm 2011. Triển khai Nghị quyết 88 và Chiến lược 2020 đã góp phần làm giảm tỷ lệ người chết trên đường, từ 11.395 người (năm 2011) xuống còn 8.125 người (năm 2018). Sau 10 năm thực hiện, TNGT đường bộ giảm cả ba tiêu chí, số vụ TNGT giảm 8,2%/năm, số người chết giảm 3,4%/năm và số người bị thương giảm 12,1%/năm. Tuy nhiên, mục tiêu hằng năm giảm từ 5 đến 10% số người chết do TNGT đường bộ vẫn chưa đạt được. Đây là thách thức đối với nước ta trong việc tiếp tục kéo giảm số ca bị chết, trong điều kiện giao thông có nhiều xe máy, dễ bị tổn thương khi va chạm xảy ra và ý thức chấp hành các quy định ATGT của người dân chưa cao. Việc hoàn thành lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình trên các loại phương tiện đã giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần quan trọng bảo đảm ATGT. Tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km đường bộ giảm mạnh từ 11,5 lần/1.000 km (năm 2015) xuống còn 0,19 lần/1.000 km (năm 2018), trong khi số lượng phương tiện tăng gấp năm lần so với thời điểm năm 2015.
Tuy nhiên, Chiến lược 2020 tồn tại nhiều bất cập, nhất là vấn đề mục tiêu đan xen giải pháp, một số nhóm giải pháp không xác định nội dung công việc rõ ràng, chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương, chưa xác định rõ nhiệm vụ bảo đảm ATGT cho từng cơ quan và thiếu tiêu chí định lượng về kết quả để theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện chiến lược ở cấp quốc gia, bộ, ngành và địa phương. Một số nội dung trong chiến lược còn chưa gắn với các quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Mặt khác, TNGT đường bộ là vấn nạn mang tính toàn cầu, gây thiệt hại lớn về con người và kinh tế. Kéo giảm thương vong do TNGT được Liên hợp quốc (LHQ) và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Do đó, để bảo đảm việc so sánh kết quả thực hiện mục tiêu giảm TNGT giữa Việt Nam với các nước thành viên LHQ thì cần có phương pháp thống kê TNGT phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Báo cáo toàn cầu về TNGT của Tổ chức Y tế thế giới, số người chết do TNGT ở Việt Nam năm 2018 là 26,4 người/100 nghìn dân. Trong khối ASEAN, tỷ lệ của Việt Nam chỉ đứng sau Thái-lan (31,6 người), cao gấp hai lần In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin, gấp 9 đến 10 lần của Xin-ga-po. Trong khi đó , báo cáo chính thức do Bộ Công an thống kê là 8,9 người chết/100 nghìn dân. Bất cập ở đây không nằm ở tính chính xác của con số thống kê, nhưng rõ ràng có sự khác biệt về phương pháp thống kê TNGT của Việt Nam so với thông lệ quốc tế. Như vậy, bên cạnh những nội dung mới, đột phá, đồng thời phải tránh không để lặp lại những bất cập nêu trên trong Chiến lược ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chiến lược 2030).
Mục tiêu và các giải pháp
Với mục tiêu cắt giảm 50% số lượng thương vong do TNGT đường bộ đến năm 2030 gắn với khung mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của LHQ, nhóm chuyên gia cao cấp ATGT đã đề xuất chín nhóm giải pháp nâng cao ATGT đường bộ đối với các quốc gia đang phát triển, gồm: Xây dựng văn hóa an toàn, bảo vệ sức khỏe và phát triển bền vững trong tất cả các tổ chức thuộc mọi lĩnh vực thông qua việc lồng ghép các giải pháp xây dựng văn hoá ATGT cho người lao động, nhà cung cấp – phân phối và đối tác của tổ chức; hằng năm báo cáo kết quả thực hiện. Các tổ chức nhà nước và tư nhân cần lồng ghép mục tiêu về bảo đảm ATGT trong quá trình mua sắm phương tiện, dịch vụ vận tải, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong kinh doanh vận tải và giao thông công cộng. Đẩy mạnh cơ cấu lại vận tải thông qua khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện an toàn, có chi phí thấp và thân thiện môi trường. Ưu tiên cao nhất đối với bảo đảm ATGT cho trẻ em thông qua khuyến khích trẻ đi bộ, xe đạp và sử dụng vận tải công cộng. Bảo đảm nguyên tắc hệ thống an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì và khai thác công trình nhằm nâng cao an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Thúc đẩy việc công nhận và áp dụng trên toàn cầu các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông. Tiến đến nghiêm cấm tuyệt đối hành vi vi phạm quy định về tốc độ khi tham gia giao thông qua việc ban hành và thực thi các quy định tiên tiến về thiết kế phương tiện, kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông. Ngoài ra, khuyến cáo Chính phủ và chính quyền các địa phương giảm tốc độ giới hạn đối với xe cơ giới trên các tuyến đường qua khu đông dân cư, đường sử dụng hỗn hợp giữa xe cơ giới với xe thô sơ và người đi bộ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao an toàn trong cả năm trụ cột về ATGT đường bộ: quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn.
Chiến lược 2030 cần nghiên cứu xây dựng và triển khai cụ thể các giải pháp thuộc chín nhóm giải pháp nêu trên, bảo đảm phù hợp điều kiện Việt Nam nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 kéo giảm một nửa số thương vong do TNGT đường bộ so với năm 2020. Thứ nhất, xây dựng chiến lược cần bám sát các chỉ đạo rõ ràng, xuyên suốt về bảo đảm trật tự ATGT của Ban Bí thư, nhất là Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư. Thứ hai, để tạo lập cơ sở vững chắc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm trật tự ATGT. Việc này đã và đang được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện rất quyết liệt như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chiến lược 2030 cần gắn chặt với tiến độ và nội dung quy định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ mà Chính phủ đang khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2021. Đồng thời, cần lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT trong các quy hoạch, chiến lược ở các cấp, cũng như các dự án đầu tư làm phát sinh nhu cầu giao thông vận tải lớn. Ở đây, cần khẳng định mục tiêu Chiến lược 2030 có đạt được hay không, bên cạnh các nội dung kỹ thuật, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan cần quy định rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm để các bộ, ngành, địa phương có thể thực thi hiệu quả nhất. Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho người dân và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quản lý, điều hành, tổ chức giao thông,… Thứ tư, các vấn đề và thách thức ATGT đường bộ không thể chỉ giải quyết bởi các giải pháp về đường bộ, do vậy chiến lược cần được xây dựng trong mối quan hệ hài hòa, chặt chẽ với định hướng phát triển và bảo đảm ATGT của các lĩnh vực đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không với trọng tâm là cơ cấu lại vận tải, giảm dần sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ và phương tiện cơ giới cá nhân. Thứ năm, tập trung nâng cao năng lực xử lý sau TNGT để kéo giảm mạnh số người chết. Thống kê cho thấy hiện nay chỉ khoảng 10% các nạn nhân được sơ cứu tại chỗ, trong đó nhiều nạn nhân được sơ cứu không đúng kỹ thuật dẫn đến tử vong đáng tiếc hoặc để lại di chứng nặng nề. Ngoài tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thì người dân, lái xe và lực lượng chức năng cần được bồi dưỡng về kỹ năng sơ cứu ban đầu. Bên cạnh đó, việc điều tra, xác minh chính xác, kịp thời nguyên nhân TNGT là cơ sở quan trọng để tìm ra giải pháp ngăn ngừa có hiệu quả các vụ TNGT.
Một điểm rất quan trọng là Chiến lược 2030 không những cần tập trung vào chín nhóm giải pháp, xoay quanh năm trụ cột ATGT mà LHQ đã xác định, mà còn cần gắn chặt với thực tiễn và tính đặc thù giao thông của Việt Nam như số lượng xe cơ giới tăng nhanh; xe máy chiếm tỷ lệ lớn; nhận thức và văn hóa giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế; sự bất cập và chồng chéo giữa các quy định pháp luật; hạn chế về nguồn lực kỹ thuật và tài chính,… Bởi vậy, Chiến lược 2030 một mặt phải bảo đảm, kế thừa, phát huy những ưu điểm, khắc phục được các hạn chế, mặt khác phải bắt kịp được xu thế phát triển của tương lai. Với các định hướng nêu trên, Chiến lược 2030 được kỳ vọng sẽ được xây dựng và thực hiện hiệu quả, đạt được mục tiêu kéo giảm 50% con số thương vong do TNGT đường bộ trong 10 năm tới, góp phần phát triển giao thông vận tải bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()