Tầm nhìn hợp tác Á – Âu
Tăng cường hợp tác Á-Âu (ASEM). (Ảnh:dangcongsan.vn) |
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn hợp tác Á – Âu ASEM (1996 – 2021), Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp với chủ đề “25 năm thành lập ASEM – Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á – Âu trong một thế giới đang thay đổi”. Đối thoại được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến vào chiều ngày 22/6/2021 tại Khách sạn JW Marriott, thành phố Hà Nội.
Đối thoại là hoạt động quan trọng của ASEM trong năm 2021 và được các thành viên đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ. Đối thoại là dịp để các thành viên thảo luận về định hướng và tầm nhìn hợp tác Á – Âu trong giai đoạn mới; góp phần giữ đà và thúc đẩy hợp tác ASEM. Kết quả Đối thoại sẽ đóng góp vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEM 13 dự kiến tổ chức vào 25 – 26/11/2021 tại Campuchia.
Đây là một trong những hoạt động ASEM Việt Nam tổ chức đăng cai được nhiều thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, cử đại biểu tham dự đông và ở cấp cao. Dự kiến có khoảng 200 đại biểu từ 53 thành viên ASEM là các Trưởng SOM ASEM, Đại sứ các nước thành viên ASEM và đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu… tham dự Đối thoại theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Phiên khai mạc do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, sẽ có sự tham dự và phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia; Bộ trưởng Ngoại giao Singapore; Bộ trưởng Ngoại giao Lào; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại; Bộ trưởng Ngoại giao Nga; Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển, Bộ trưởng thứ nhất Vương quốc Anh; Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc; Thứ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha; và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ. Đáng chú ý, Bộ trưởng Anh, Singapore, Hàn Quốc sẽ tham dự trực tiếp.
Về các diễn giả chính tại hội nghị lần này, có 4 diễn giả chính gồm: Ông Tommy Koh, Đại sứ lưu động của Singapore, ông Mirek Dusek, Giám đốc Khu vực châu Âu, Á Âu, và Trung Đông, Phó Chủ nhiệm Trung tâm về các vấn đề Khu vực và Địa Chính trị, Thành viên Ban điều hành WEF, ông Khlaed Khiari, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Bà Caitlyn Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
11 diễn giả tham luận gồm: các Trưởng Quan chức cao cấp ASEM, chuyên gia, học giả uy tín ở khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Nhật, Nga, Đức, Anh, Indonesia, Hiệp Hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham)… Ngoài ra, đại biểu của Quỹ Á – Âu (ASEF), Quỹ Hanns Seidel (HSF), Nhật Bản… bày tỏ muốn tham gia ở phần thảo luận.
Chương trình Đối thoại dự kiến gồm ba hoạt động chính: Phiên khai mạc với sự tham gia của các Bộ trưởng và Thứ trưởng; và hai phiên thảo thuận chuyên đề. Nội dung của hai phiên thảo luận là: Phiên 1 “Châu Á và châu Âu trong một thế giới đang tái thiết lập” đánh giá những chuyển biến lớn trong tình hình thế giới và hai châu lục, tác động đến quan hệ đối tác Á – Âu; Phiên 2 “Định hình tầm nhìn cho quan hệ đối tác Á – Âu mạnh mẽ hơn” đánh giá thành tựu hợp tác ASEM 25 năm qua và đề xuất tầm nhìn/định hướng thời gian tới.
Qua 25 năm từ khi tham gia sáng lập ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam bao gồm tổ chức thành công HNCC ASEM 5 (2004), cùng 5 HNBT trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ – thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.
Việt Nam tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM (ASEM 5, 2004 và HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 9, 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn, đề xuất 29 sáng kiến và đồng bảo trợ 31 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học – công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số, nâng cao quyền năng phụ nữ…
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong – Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực.
Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên 2 nhiệm kỳ 1999 – 2000 và 2001 – 2002, Phó Giám đốc Điều hành ASEF giai đoạn 2008 – 2012). Hiện Việt Nam đang tích cực phát huy vai trò trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành mà nước ta là thành viên về quản lý nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề, giáo dục và phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.
Cùng với các thành tựu phát triển và đối ngoại, việc Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực tại Diễn đàn ASEM là bước triển khai quan trọng chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên, đề cao vị thế quốc tế của Việt Nam./.
Ý kiến ()