Tầm nhìn dài hạn phục hồi ngành hàng không
Triển vọng phát triển của ngành hàng không toàn cầu năm 2021 vẫn tiếp tục u ám. Những giải pháp hỗ trợ thanh khoản mà các Chính phủ đã thực hiện đối với các hãng hàng không trong năm 2020 là chưa đủ khi dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới ngày càng trở nên bất định và không thể dự báo được điểm phục hồi.
Ngành kinh tế quan trọng
Trước khi đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu, ngành hàng không thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngoạn mục. Năm 2019, hàng không thế giới thực hiện 38,3 triệu chuyến bay, vận chuyển hơn 4,3 tỷ lượt hành khách và hơn 58 triệu tấn hàng hóa, đem lại hơn 45 tỷ USD lợi nhuận. Xét trên tổng thể, ngành hàng không trên toàn thế giới đã tạo ra 65,6 triệu việc làm, trong đó có 10,2 triệu việc làm trực tiếp và hơn 55 triệu việc làm gián tiếp. Theo thống kê của các nghiên cứu, lợi ích đóng góp phát triển ngành hàng không cao hơn rất nhiều so với các ngành sản xuất. Cụ thể, cứ 100 triệu USD nghiên cứu và phát triển tạo ra lợi ích 700 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, ngành kinh tế quan trọng này còn mang lại các lợi ích xã hội thông qua thúc đẩy hoạt động du lịch và kinh doanh thương mại, là động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại thu nhập quốc gia thông qua thuế và lợi ích về phát triển kết nối giữa các quốc gia, vùng miền, thậm chí vùng sâu, vùng xa, cứu thương, cứu trợ,…
Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã gây ra những thiệt hại to lớn tới kinh tế thế giới. Một trong những ngành đầu tiên và chịu tác động nặng nề nhất chính là ngành vận tải hàng không. Theo báo cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019. Tổng doanh thu toàn ngành giảm 500 tỷ USD. Để cứu ngành kinh tế quan trọng này, năm 2020, chính phủ các quốc gia đã hỗ trợ các hãng hàng không hơn 200 tỷ USD và dự kiến tiếp tục bơm thêm 80 tỷ USD thông qua các gói hỗ trợ trực tiếp về tài chính và ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi về hoạt động như giãn thuế, giảm phí, ban hành chính sách giá sàn/giá trần và hỗ trợ về tái cơ cấu…
Là một trong những quốc gia được đánh giá cao về khả năng và hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 nhưng ngành hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của các hãng hàng không được công bố như Vietnam Airlines, Vietjet Air đều cho thấy sự sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 8.743 tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả vận tải hành khách (không bao gồm các khoản doanh thu ngoài vận tải hành khách) lỗ 10.975 tỷ đồng, cao hơn 10.989 tỷ đồng so cùng kỳ. Doanh thu trung bình của một hành khách nội địa là 997 nghìn đồng/khách, giảm 34,5% so với năm 2019. Vietjet Air lỗ trước thuế 1.780 tỷ đồng, trong đó hiệu quả vận tải hành khách (không bao gồm các khoản doanh thu ngoài hiệu quả vận tải hành khách) lỗ 4.311 tỷ đồng, tăng 3.896 tỷ đồng so cùng kỳ. Doanh thu trung bình của một hành khách nội địa là 450 nghìn đồng/khách, giảm 34% so với cùng kỳ.
Những vấn đề mới nảy sinh
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của ngành hàng không toàn thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Dù thế giới đã và đang sản xuất được vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nhưng triển vọng dập tắt hoàn toàn dịch bệnh trong tương lai gần là rất khó xảy ra vì những bất cập trong phân phối, tiêm chủng và hợp tác sản xuất giữa các quốc gia. Do vậy, triển vọng phát triển của ngành hàng không trong năm 2021 vẫn tương đối u ám. Trong báo cáo đưa ra tháng 2-2021, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) giảm dự báo sản lượng hành khách toàn thế giới từ mức bằng 51% so năm 2019 xuống còn 33% so năm 2019 trong khi mức lỗ tăng gần gấp hai lần, tương ứng khoảng 95 tỷ USD; đến năm 2024 thị trường mới có thể phục hồi quy mô tương đương năm 2019. Tương tự, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định tiêu cực về nửa đầu năm 2021 khi dự báo lượng ghế cung ứng giảm 42 – 47%, sản lượng khách giảm 47% – 57% và doanh thu giảm 156 – 181 tỷ USD so năm 2019. Các hãng hàng không đang vật lộn với các khoản lỗ từ cú sốc năm 2020 sẽ phải tiếp tục gồng mình chống đỡ với sự ảm đạm của thị trường và các gánh nặng tài chính đang mang và có thể sẽ cần hai đến ba năm để thị trường hồi phục trở lại trạng thái bình thường.
Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2020, HĐQT Vietnam Airlines đã kêu gọi sự hỗ trợ tài chính của các cổ đông và thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tổng quy mô 12 nghìn tỷ đồng. Bước đi mới nhất trong chiến lược dài hạn của Vietnam Airlines đang thực hiện là đấu giá 11 máy bay với mục đích đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển. Với kế hoạch này, đội bay của hãng hàng không quốc gia giảm từ 107 chiếc xuống còn 86 chiếc.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Dịch Covid-19 là tác nhân gây sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng nhưng cũng làm lộ ra những điểm yếu bên trong quá trình vận hành của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Ngoài các tác động trực tiếp về tài chính, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt một số vấn đề nảy sinh sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nóng, đòi hỏi phải được tháo gỡ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn. Trước hết là vấn đề dư thừa nguồn lực. Đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay khoảng 230 chiếc, tăng 24 chiếc so năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10%. Tổng số ghế cung ứng trong tháng 4-2021 ước tính bằng 137% so cùng kỳ năm 2019 trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) ước tính chỉ bằng 76%. Tổng số máy bay dư thừa của các hãng gần 58 chiếc, chiếm 26% tổng đội bay. Tình trạng này dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả đội bay, công suất sử dụng thấp trong khi các chi phí bến bãi vẫn phải trả. Bên cạnh đó, còn gây ra việc quá tải nhà ga, sân bay khiến hành khách mất nhiều thời gian hơn cho mỗi chuyến bay, hành trình bay cũng bị kéo dài dẫn tới lãng phí thời gian của hành khách và làm tăng chi phí mặt đất đối với hãng khai thác.
Bên cạnh đó, hiện nay có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4-2021, giá vé máy bay bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% so cùng kỳ năm 2019. “Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh việc phê duyệt mua máy bay mới phù hợp tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và khả năng vận hành của các hãng cũng như hệ thống hạ tầng cơ sở về đường lăn, nhà ga, kho bãi, dịch vụ mặt đất. Liên quan đến những bất cập trong giá vé máy bay, cần nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề về giá trần, giá sàn phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không theo hướng hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp hàng không trong thời điểm khó khăn này. Ngoài ra, cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác như vận tải đường thủy hoặc đường sắt. Đã đến lúc Chính phủ cần giao Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải điều tra, xử lý làm rõ vấn đề giảm giá vé để cạnh tranh có phải là hành vi bán phá giá không. Khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định cấm hành vi “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó”, cho nên nếu thực tế diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải có những chế tài nghiêm khắc như rút giấy phép kinh doanh để ngăn chặn tư tưởng ăn thua giữa các doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), vai trò của ngành hàng không trong nền kinh tế nói chung và vai trò của hãng hàng không quốc gia rất quan trọng. Trước khó khăn của các hãng hàng không do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thể hiện vai trò quản lý nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho tất cả các hãng hàng không như giảm một số loại thuế, phí hoạt động. Đồng thời thể hiện vai trò của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông qua các gói hỗ trợ đặc thù. Chính sách đã có nhưng gói hỗ trợ chậm được giải ngân như hiện nay sẽ ảnh hưởng sức chống chịu của hãng và sự phục hồi trong tương lai, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ý kiến ()