Tầm nhìn 2020 và xa hơn nữa
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) Trần Ðình Thanh: "... Ðược Chủ tịch nước tặng phần thưởng cao quý Huân chương Ðộc lập hạng nhất là niềm vinh dự, tự hào, sự động viên khích lệ to lớn đối với CBCNV EVNCPC. EVNCPC sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động, nỗ lực vượt khó để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng điện, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng... phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục xây dựng EVNCPC phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai".
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) Trần Ðình Thanh: “… Ðược Chủ tịch nước tặng phần thưởng cao quý Huân chương Ðộc lập hạng nhất là niềm vinh dự, tự hào, sự động viên khích lệ to lớn đối với CBCNV EVNCPC. EVNCPC sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động, nỗ lực vượt khó để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng điện, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng… phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục xây dựng EVNCPC phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai”.
Ngày 8-11-2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định 2108/QÐ-CTN tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất cho EVNCPC do “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Phần thưởng này là niềm vinh dự, tự hào chung của CBCNV toàn Tổng công ty, tạo động lực mạnh mẽ để EVNCPC tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng hơn nữa với phần thưởng được trao tặng.
Phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước ghi nhận đối với EVNCPC là thành quả của cả quá trình 38 năm xây dựng và trưởng thành, kết tinh nỗ lực, sự hy sinh cống hiến của nhiều thế hệ lãnh đạo, CBCNV Tổng công ty, cũng là món quà đầy ý nghĩa dành cho tất cả những cán bộ ngành điện đã từng gắn bó, cống hiến, chung tay xây dựng ngành điện miền trung từ những ngày Ðiện lực miền Trung còn non trẻ.
Ngày 7-10-1975, Bộ trưởng Ðiện và Than ký Quyết định số 1867 QÐ/TCCB-3 thành lập Công ty Ðiện lực miền Trung, đến tháng 5-1981 được đổi tên thành Công ty Ðiện lực 3, tiền thân của Tổng công ty Ðiện lực miền Trung ngày nay. Thời đó, Ðiện lực miền Trung chỉ là một “chấm nhỏ” trên bản đồ điện lực của đất nước. Cái “chấm nhỏ” ấy được định nghĩa bằng những mạng lưới điện manh mún, cấp điện áp cao nhất 15kV và những tổ máy diesel cũ kỹ và nhỏ lẻ, tổng công suất khả dụng chỉ khoảng vài chục MW, điện năng cung cấp trong toàn khu vực chỉ khoảng 80 triệu kWh. Từ trong chiến tranh đến những ngày đầu xây dựng, đất nước dường như chỉ là hai miền bắc – nam, bởi vậy, từ năm 1976 đến 1985, vốn đầu tư cho ngành điện tại miền trung chỉ chiếm 3,4% vốn đầu tư của toàn ngành, không đủ để tăng cường cơ sở vật chất nguồn, lưới điện nhằm cân đối với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Cũng do vốn đầu tư quá ít nên các công trình phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi, các phương tiện quản lý, thí nghiệm hầu như không được xây dựng, trang bị được bao nhiêu; công tác sản xuất cung ứng điện luôn bị động, phải thực hiện lịch đóng cắt điện luân phiên. Ðây là giai đoạn cực kỳ khó khăn, ngành điện miền Trung luôn phải chống đỡ, đối phó với tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên nghiêm trọng khi công cuộc xây dựng và phát triển ở khu vực đặt ra yêu cầu ngày càng lớn hơn, cấp bách hơn về cơ sở hạ tầng, trong đó nguồn năng lượng điện phải luôn đi trước một bước.
Trong bối cảnh đó, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, CBCNV Ðiện lực miền Trung, bằng lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần dũng cảm, dám nghĩ dám làm, hệ thống điện miền Trung – Tây Nguyên dần có những bước phát triển khả quan. Các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Công ty đã được các bộ, ngành và Chính phủ quan tâm. Năm 1988, Bộ trưởng Năng lượng phê duyệt ba giải pháp phát triển điện lực miền Trung, ngay sau đó việc triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nên bước đột phá trên toàn hệ thống của khu vực. Từ năm 1988 đến 1990, hệ thống nguồn, lưới điện miền Trung – Tây Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc: Bổ sung 74 tổ máy diesel, tăng 69 MW; đường dây 220 – 110kV Vinh – Ðà Nẵng được xây dựng và hoàn thành tháng 8-1990, đưa điện từ Hòa Bình vào cung cấp cho bốn tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam – Ðà Nẵng. Tháng 1-1992, điện lưới phía bắc tiếp tục vào Quảng Ngãi. Tháng 4-1992 đóng điện đường dây 110kV Ða Nhim – Nha Trang. Tháng 8-1993, cấp điện cho tỉnh Bình Ðịnh. Tháng 1-1994 đóng điện đường dây 110 kV Nha Trang – Tuy Hòa, đưa điện từ Ða Nhim ra cung cấp cho tỉnh Phú Yên. Ðường dây 500kV mạch một, công trình lịch sử của đất nước được khởi công tháng 4-1992. Vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27-5-1994 hệ thống điện quốc gia đã được thông mạch tại trạm 500kV Ðà Nẵng, đưa điện từ Hòa Bình vào TP Hồ Chí Minh và đến ngày 19-9-1994 miền Trung được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500kV Ðà Nẵng. Ngày 12-11-1994 trạm 500kV Plây Cu, đường dây và trạm 220 – 110kV Quy Nhơn – Plây Cu cũng đã hoàn thành, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhận điện qua trạm 500kV Plây Cu. Về nguồn thủy điện, đã hoàn thành Nhà máy thủy điện Drây H'Linh (9-1990), An Ðiềm (9-1991), Vĩnh Sơn (11-1994), khởi công Nhà máy Yaly (tháng 11-1993)…
Nguyên Giám đốc Công ty Ðiện lực 3 Tạ Cảnh nhớ lại: Ðó là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của Ðiện lực miền Trung, không chỉ mình tôi mà tất cả các anh chị em gắn bó với đơn vị trong những năm tháng ấy đều cảm thấy tự hào. Công việc luôn hết sức bề bộn, chuyển động liên tục, đổi thay từng ngày, hối hả, sục sôi. Từ đó, đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ điện lực miền trung được thể hiện tài năng và cống hiến hết mình – một “Thế hệ 500kV” đã xuất hiện và ghi danh vào lịch sử Ðiện lực miền Trung với nhiều thành tích to lớn. Khí thế dựng xây sôi nổi ấy tiếp tục được kế thừa và phát huy từ đó đến nay, hệ thống điện miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục phát triển và từng bước hoàn thiện. Năm 2013, công suất cực đại toàn khu vực đạt 1.785 MW, hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, đã có 100% số huyện, 99,68% số xã, 98,34% số hộ được sử dụng điện lưới với tổng số khách hàng sử dụng điện hơn ba triệu hộ. Ðiện thương phẩm năm 2013 đạt 10,952 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 12%.
Những năm gần đây, EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn của mình và vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, KfW… nhằm từng bước giảm tỷ lệ điện truyền tải, phân phối. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đầu tư hệ thống lưới điện phân phối để bán trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư, vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho EVNCPC. Với khu vực nông thôn, miền núi, EVNCPC đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển điện từ nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn trong nước, tài trợ của WB, ADB, KfW, EDF (Pháp), Sida (Thụy Ðiển), JBIC (Nhật Bản)… nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Từ năm 2007, EVNCPC tích cực triển khai thực hiện dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện các tỉnh Tây Nguyên. Nhận thức đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, là món quà của Ðảng, Chính phủ dành cho đồng bào Tây Nguyên, EVNCPC đã chỉ đạo sâu sát các đơn vị tập trung thực hiện dự án, cấp điện cho 852 thôn, buôn, 62.646 hộ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên được sử dụng điện. Là dự án nhóm A, quy mô trải rộng trên địa bàn của 43 huyện, thị xã, nhưng được đánh giá là dự án có tiến độ nhanh, đáp ứng cơ bản tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, việc hoàn thành trước thời hạn đã tạo bước chuyển biến lớn đối với tình hình kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đáng kể đời sống đồng bào các thôn, buôn ở Tây Nguyên. Ông KPuih Ayok ở xã IaH'rú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai mừng vui: “Từ khi có điện, gia đình chúng tôi có thêm điều kiện để chăm sóc vườn cà-phê, hồ tiêu cho năng suất cao hơn, chi phí ít hơn, kinh tế gia đình hiện tại tạm ổn định, cảm ơn Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đến người dân Tây Nguyên”. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế, quốc phòng vùng biển, đảo, EVNCPC cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi với 26 km đường dây 22 kV đi ngầm dưới đáy biển, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Ðồng chí Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn khẳng định: Khi hoàn thành, dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này sẽ cung cấp nguồn điện ổn định từ lưới điện quốc gia phục vụ cư dân huyện đảo, tạo động lực phát triển, phát huy tối đa tiềm lực của Lý Sơn, đồng thời góp phần nâng cao năng lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm gần đây, nhằm tăng cường công suất cho hệ thống điện quốc gia, EVNCPC đã xây dựng thành công đưa vào vận hành chín nhà máy thủy điện với tổng công suất 340 MW, sản lượng điện phát ra hằng năm hơn 1,4 tỷ kWh. Hiện đang triển khai thi công ba nhà máy thủy điện nữa với công suất lắp đặt 27 MW. Ngoài ra, EVNCPC còn có các cơ sở sản xuất công-tơ điện tử, phần mềm phục vụ công nghệ đo đếm điện từ xa, dịch vụ tin học, phần mềm quản lý; các dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, sửa chữa, sản xuất, gia công cơ khí, cung cấp và vận chuyển vật tư chuyên ngành điện; thi công xây lắp các công trình điện… mang lại hiệu quả. EVNCPC hiện đang có một đội ngũ quản lý giỏi, lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề, có trách nhiệm và tận tụy với công việc, với tổng số gần 12.000 CBCNV.
Có thể thấy, từ một “chấm nhỏ” trên bản đồ ngành điện lực của đất nước, Ðiện lực miền trung đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, kết nối với ngành điện hai đầu đất nước trong tư thế chủ động, tự tin. Và trong gian lao vất vả, tính cần cù, chịu thương chịu khó, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, khả năng sáng tạo, linh hoạt đã trở thành nét văn hóa – văn minh của người làm điện miền trung.
Tấm Huân chương Ðộc lập hạng nhất mà EVNCPC vừa được Nhà nước tặng thưởng, chính là sự ghi nhận những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, là sự động viên to lớn đối với toàn thể CBCNV, EVNCPC tiếp tục nỗ lực vượt qua những thách thức mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, xứng đáng hơn nữa với phần thưởng được trao tặng. Thách thức của con số 0,32% số xã, 1,66% số hộ dân chưa có điện trên toàn khu vực, tuy không lớn lại là những địa bàn cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nỗ lực không hề nhỏ. Bên cạnh đó là thách thức trong việc nâng cao chất lượng, giảm tổn thất điện năng, cải thiện độ tin cậy nguồn cung, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… đòi hỏi và cũng tạo động lực cho sự phát triển đột phá về chất trong công tác quản lý của Tổng công ty.
Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI đã đặt ra yêu cầu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững… tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo EVNCPC xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, EVNCPC sẽ là một trong nhóm các doanh nghiệp điện lực hàng đầu trong nước, được biết đến là doanh nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường của khu vực Ðông-Nam Á”. Mục tiêu của EVNCPC đặt ra vấn đề về khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững, trong bối cảnh những năm tới, Việt Nam tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; vấn đề về thương hiệu trong hoạt động điện lực sẽ gay gắt và quyết liệt hơn rất nhiều, và như vậy đòi hỏi nhiều nỗ lực và giải pháp nhạy bén ngay từ thời điểm hiện nay. Với yêu cầu về “phát triển nhanh”, tốc độ tăng trưởng từ 12 đến 15% hằng năm về sản lượng điện, gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước, EVNCPC có thể sẵn sàng đáp ứng; còn “phát triển bền vững” hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nguy hại… hiện nay được EVNCPC và các đơn vị khẩn trương xúc tiến thực hiện, từng bước đáp ứng những yêu cầu cao hơn về tính bền vững của phát triển đối với môi trường. Tầm nhìn của EVNCPC cũng mở rộng phạm vi khu vực Ðông – Nam Á, đây cũng là một biểu hiện quyết tâm và niềm tin rất lớn, truyền cảm hứng cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn.
Hành trình 38 năm đã tạo dựng nên một tập thể Ðiện lực miền Trung đoàn kết, sáng tạo và đầy đam mê. Có thể đây là một trong những sức mạnh bền vững nhất để Ðiện lực miền Trung tiếp tục có những bước phát triển xa hơn, đạt đến tầm nhìn mục tiêu 2020 và xa hơn nữa.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()