Tám năm sau thảm họa: sự hồi sinh trên vùng đất Fukushima
Học sinh ở trường tiểu học Fukushima, được mở lại vào tháng 4-2018, đang học về sự nguy hiểm của rò rỉ phóng xạ
Phóng xạ rò rỉ đã buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán, biến các thị trấn và các ngôi làng thành khu vực cấm. Tám năm sau thảm họa, những khu phố gần sát nhà máy điện Fukushima Daiichi vẫn mắc kẹt trong thời gian với những ngôi nhà xuống cấp, những con đường, vỉa hè, những khu vườn vốn được chăm sóc cẩn thận cũng phủ đầy cỏ dại, lợn rừng và các loại động vật hoang dã khác lang thang trên phố.
Những chiếc xe bị bỏ lại dưới lớp cỏ dại ở thị trấn Okuma, Fukushima, tháng 2-2019
Nhưng ở những khu phố xa hơn một chút, dấu hiệu của sự hồi sinh đã xuất hiện. Các cửa hiệu, nhà hàng và các tòa nhà công cộng phục vụ cho số lượng nhỏ những người quyết định trở lại thành phố. Dịch vụ đường sắt đang được khôi phục và các tuyến đường đã được mở lại. Lễ rước đuốc tiếp sức cho Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ bắt đầu từ ngôi làng J, nơi từng là trung tâm ứng phó với thảm họa kép động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân, giờ đã được khôi phục lại vai trò trước đây là một tổ hợp đào tạo bóng đá.
Song sự hồi sinh vẫn còn khiêm tốn. Tại nhiều khu vực được chính quyền thông báo an toàn cho sinh hoạt của con người, nhiều cư dân vẫn quyết định tránh xa và không quay lại do lo sợ nhiễm phóng xạ, đặc biệt với trẻ con, và lo ngại thiếu các cơ sở y tế cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội khác. Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, chỉ có 23% số người sống tại những khu vực được tuyên bố ngoài giới hạn sau thảm họa trở lại sinh sống.
Các công nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi đang chiến đấu với một số lượng lớn nước phóng xạ, trong khi quá trình ngừng hoạt động nhà máy này dự kiến mất ít nhất bốn thập kỷ. Tám năm sau thảm họa hạt nhân lớn thứ hai thế giới (sau thảm họa Chernobyl), nhiều người đã quyết định trở về nơi họ sinh sống ở khu vực được tuyến bố không có hạt nhân để làm việc, học tập và sống những năm cuối đời ở nơi họ gọi là nhà. Và điều gì đã khiến họ quay về?
Một người chủ đất
Cụ ông Seimei Sasaki trở thành cư dân địa phương nổi bất nhất trong tám năm qua khi ông sống trong căn nhà tạm dành cho những người sơ tán. Ông nằm trong số những cư dân xây dựng ý thức cộng đồng thông qua các bài tập thể dục hàng ngày chào buổi sáng. Ở tuổi 93, ông vẫn là một tài xế tận tụy trên những tuyến đường ở quận Odaka, nơi là gốc rễ của gia đình ông gần 500 năm trước.
Cụ ông Seimei Sasaki bên ngoài căn nhà của gia đình
Người chủ đất vừa mới trở về ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Ba con trai của ông và gia đình ở gần đó, nhưng ông Sasaki vẫn nhất quyết sống một mình, tự lo cho bản thân – một quyết tâm mà ông nói được thừa hưởng từ tổ tiên samurai của mình. Ông Sasaki cho biết, khu phố này từng có tới 230 người, nhưng chỉ có 23 người, có độ tuổi trung bình trên 70, đã quay lại. “Tôi không thể tưởng tượng được ngôi làng trong tương lai sẽ ra sao. Tôi sợ rằng nó đang chết dần”, ông Sasaki lo lắng.
Mặc dù vậy, ông vẫn đang cố gắng giữ lạc quan: “Tôi có sức khỏe tốt và tôi có thể sử dụng các cơ sở chăm sóc sức khỏe miễn phí bởi vì tôi là một người sơ tán, và tôi vẫn giữ liên lạc với các bạn của mình đang ở trong các ngôi nhà tạm”. Chỉ có một vấn đề nhỏ khiến ông lo lắng đó là việc giấy phép lái xe của ông chỉ còn đến tháng 12 và ông không biết phải xử lý thế nào. Nhưng ông Sasaki thừa nhận, ở tuổi của ông, đã đến lúc dừng việc lái xe.
Hai chị em
Tại ngôi trường cấp một và cấp hai Namie Sosei, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 2,5 dặm, hai chị em Rumiko và Eriko Konno là hai trong số bảy học sinh ít ỏi học ở trường. Ngôi trường mới khá hoàn chỉnh với một sân bóng đá sử dụng được trong mọi thời tiết. Trường được xây dựng bằng tiền của chính phủ nhằm đưa các gia đình trẻ trở lại Namie, nơi chỉ có 900 người trong số 21.000 người trước thảm họa trở về kể từ khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ một phần vào năm 2017.
Bé Rumiko (trái) và bé Eriko Konno ước có thể chơi các môn thể thao đồng đội
Chị Mayumi, mẹ của Rumiko và Eriko đã phải đấu tranh để quyết định đưa con quay lại trường học. “Nhưng đến nay, một năm đã qua, chúng đã ổn định. Tôi cũng đã tìm được việc và tôi chắc chắn chúng tôi đã quyết định đúng đắn”, chị Mayumi cho hay. Ngôi trường Namie Sosei cũng sẽ đón thêm sáu học sinh nữa khi năm học mới bắt đầu vào tháng tư.
Hiệu trưởng trường Ryuichi Baba cho biết, hơn một năm qua những đứa trẻ đã đạt được nhiều tiến bộ. Điều khó khăn nhất với các học sinh là chúng không thể chơi các môn thể thao đồng đội.
Rumiko, 11 tuổi và Eriko, tám tuổi, nói rằng các em nhớ môn bóng né và trò chơi trốn tìm. “Cháu muốn có nhiều bạn cùng lớp hơn nhưng điều đó sẽ gây ra áp lực khác”, Rumiko chia sẻ.
Ở lớp học, hai chị em Rumiko đã được học về thảm họa sóng thần và sự cố hạt nhân nhưng cả hai đều rất khó nhớ lại những gì đã xảy ra bởi khi đó cả hai đều quá nhỏ. “Đã tám năm trôi qua, cháu không nhớ được nhiều về thảm họa đó. Cháu lo lắng hơn cho những người đang phải đối phó với các thảm họa thiên nhiên hiện nay”, Rumiko nói.
Một nông dân trồng lúa
Ba năm trước, ông Koichi Nemoto lần đầu trở lại cánh đồng của mình ở làng Momouchi, Fukushima, ước mơ của ông là được trồng đủ gạo để nuôi sống gia đình. Nhưng lệnh cấm sản xuất lúa gạo buộc ông phải chờ đợi. “Tôi đã trồng các ô lúa mẫu và kiểm nghiệm chúng, tất cả đều thấp hơn giới hạn bức xạ do chính phủ quy định” ông Nemoto nói, “Nhưng tôi phải bỏ chúng, vì việc sử dụng gạo đó của tôi là trái luật”.
Ông Koichi Nemoto: “cây lúa của ông luôn chiến thắng cỏ dại”
Đến nay, lệnh cấm đã được dỡ bỏ và người nông dân 81 tuổi này, người tiên phong trong công nghiệp trồng lúa gạo hữu cơ ở Fukushima, đang trồng lại gạo thương phẩm để cung cấp cho nhà máy rượu sake, các siêu thị và nhà hàng gần đó. “Tôi không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ ruộng vườn của mình”, ông Nemoto nói. “Trước đây đã có những tin đồn nguy hại về gạo của Fukushima, nhưng thái độ đang thay đổi. Bạn bè và họ hàng của tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ăn cơm gạo từ nơi đây so với gạo từ những nơi khác không được kiểm nghiệm”.
Đã qua lâu rồi thời gian ông Nemoto phải sơ tán và tự hỏi khi nào được trồng lúa trở lại, nhưng ông Nemoto vẫn chỉ là một trong tám nông dân ở Momouchi quyết định hồi sinh công việc kinh doanh sau khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ. Những ngày này, với ông Nemoto, điều lo lắng không phải là chất phóng xạ mà là đám cỏ dại đang lan nhanh trên những mảnh ruộng của ông. “Bạn phải xác định điều này khi bạn làm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng cuối cùng, cây lúa của tôi vẫn luôn chiến thắng”, ông Nemoto lạc quan nói.
Vợ chồng chủ nhà trọ
Khi vợ chồng ông bà Tomoko và Takenori Kobayashi nghe thấy tiếng nổ ở một trong tòa nhà có lò phản ứng, họ đã thu thập những tài sản có giá trị và bỏ lại Futaba-ya, một khu nhà trọ truyền thống ở quận Odaka, nơi gia đình Tomoko đã trải qua bốn thế hệ sinh sống.
Ông bà đã nghĩ rằng có thể trở lại ngôi nhà của mình sau vài ngày, nhưng những hình ảnh đầu tiên mà họ nhìn thấy về sóng thần và thảm họa hạt nhân ở nơi sơ tán đã khiến họ nhận ra rằng thảm họa đó khủng khiếp đến mức nào.
Khách trọ của ông bà Tomoko và Takenori có nhiều người nước ngoài
Vợ chồng bà Tomoko đã không quay lại khu nhà nghỉ của gia đình cho đến tháng 6-2016 sau khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ tại Okada. Khi khu phố của họ nằm ngoài khu vực bị hạn chế, bà Tomoko đã quay về để sửa lại khu nhà nghỉ và trồng hoa bên ngoài ga tàu gần đó. “Chúng tôi đã quyết định trở lại”, bà Tomoko kể. Vợ chồng ông bà nhanh chóng trở thành chuyên gia về phóng xạ và an toàn thực phẩm. Ông Takenori kể rằng ông bà vẫn kiểm tra thực phẩm cho người dân ở đây trong suốt bảy năm qua và ông bà biết tất cả đều an toàn. “Điều đó khiến chúng tôi thêm tin tưởng để trở về và bắt đầu lại”, ông Takenori nói.
Khách lưu trú của Futaba-ya ngày càng nhiều người nước ngoài muốn tìm hiểu về Fukushima. “Chúng tôi muốn mọi người ở đây và quay lại cảm giác họ biết được nhiều hơn về sự thật những gì đã xảy ra”, bà Tomoko chia sẻ. “Nhưng chúng ta không thể vờ như điều đó dễ dàng – đã có những khoảng thời gian vô cùng khó khăn”.
Một nông dân nuôi bò sữa
Tám năm trước, anh Tetsuji Sakuma đã bất lực đứng nhìn trang trại bò sữa mà ông nội anh đã xây dựng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai bị phá hủy. Trong những ngày sau khi nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố, một số trong số 130 con bò của anh đã chết, những con khác bị bán cho một trang trại hoặc bị giết mổ. Hàng nghìn lít sữa đã bị đổ đi.
Nhưng hiện nay, sau khi lệnh cấm vận chuyển sữa bò tươi từ Fukushima được dỡ bỏ năm 2017, anh Sakuma đã trở lại công việc kinh doanh. Kiểm tra nghiêm ngặt cho thấy sữa từ những con bò của anh đều an toàn, nhưng ban đầu, việc vượt qua nghi ngại từ những khách hàng tiềm năng là một thách thức.
Anh Tetsuji Sakuma đă chăm chỉ làm việc nhiều năm để đưa trang trại sữa thành công
Sakuma, người tiếp quản trang trại ở làng Katsurao hơn 20 năm trước, cho biết anh đã phải học kiến thức về phóng xạ và chuẩn bị tất cả các câu hỏi có thể liên quan đến sự an toàn phóng xạ trong sữa của những con bò ở trang trại của anh.
Nhiều nông dân địa phương đã quyết định bán nông trại, lo lắng rằng họ đã quá tuổi để hồi sinh công việc kinh doanh, và sản phẩm của họ sẽ mãi bị nhiễm xạ do liên quan tới Fukushima. Chỉ có 20% số dân cư trong làng trước khi thảm họa xảy ra, khoảng 300 người quay lại nơi ở.
Anh Sakuma nói rằng mọi người ở bên ngoài càng lâu nên càng khó quay về. Nhưng với gia đình anh thì khác, bởi “chúng tôi đã làm việc chăm chỉ nhiều năm qua để trang trại này thành công. Chúng tôi đã tự xây dựng những chuồng bò và hôm nay chúng vẫn đứng vững. Là con trai của một gia đình nông dân, tôi quyết tâm mở lại trang trại và cho mọi người thấy rằng, ngay cả ở đây, mọi điều đều có thể”, anh Sakuma nói.
Theo Nhandan
Ý kiến ()