Tấm lòng thơm thảo
Ngay từ những ngày đầu, khi Linh xin vào làm việc ở nhà hàng này, ông Hoàng đã biết mình chọn đúng người. Việc hỏi và ghi thực đơn theo yêu cầu của khách cũng không có gì là phức tạp hay vất vả, luôn tay, luôn chân như mấy anh nhà bếp hay dọn bàn, bưng bê thức ăn, có điều đòi hỏi phải nhanh nhẹn, trí nhớ tốt và nói năng, ứng xử với thực khách phải lễ độ. Về điều này, với trách nhiệm quản lý được giao, ông Hoàng thấy Linh làm rất tốt.
Sinh viên trường tài chính có khác, mới hướng dẫn mà đã nhập tâm ngay, tính toán và nhớ đâu ra đấy, ít khi nhầm lẫn. Thuê được những người như cô sinh viên này thì công việc của ông Hoàng nhẹ nhàng hẳn, đỡ phải giải quyết khiếu nại, than phiền như mấy cô phục vụ trước. Chỉ tiếc là Linh xin làm thêm có ba tiếng buổi tối hằng ngày, còn ban ngày cô phải đi học ở trường.
Qua vài lần trò chuyện, ông Hoàng biết, Linh quê ở xa lên Hà Nội học và cũng mới học năm thứ nhất đại học. Nhìn cô gái có hôm đến muộn, vội vã khoác chiếc áo đồng phục rồi chạy tới xin lỗi, ông Hoàng lại thấy thương thương. Cũng ở tuổi như Linh, nhưng con gái ông lại khác, quá vô tư, chẳng phải lo nghĩ chuyện ngược xuôi, vừa học, vừa làm, vì mọi việc của cô đều có bố mẹ lo cho cả. Tuy nhiên, dạo này để ý, ông Hoàng thấy Linh có điều gì khang khác. Trước đây, tan giờ làm, tầm khoảng 21 giờ là cô gái đã tất tưởi về ngay để còn kịp xem và chuẩn bị bài vở cho buổi học sáng hôm sau.
Còn bây giờ, lắm lúc vị khách cuối cùng của nhà hàng đã ra về rồi mà Linh vẫn quanh quẩn ở khu nhà bếp nói chuyện với mấy anh dọn bàn. Và bao giờ cũng thế, cô gái ra về với một bọc giấy to tú ụ trong chiếc túi ni-lông xách tay. Tìm hiểu từ mấy cậu dọn bàn, ông Hoàng được họ báo cáo, Linh thường ở lại để chọn ra những suất thức ăn thừa còn nguyên của khách và xin mang về. Cũng chẳng có gì là bất ngờ, sinh viên nghèo, chuyện ấy bình thường thôi. “Có điều, túi thức ăn to như thế thì chắc là dành cho cả mấy bạn cùng trọ học đây” – ông Hoàng nghĩ.
Tối hôm ấy, khi nhà hàng đã đóng cửa, ông Hoàng có việc phải xuống khu phố bờ đê vắng vẻ phía nam thành phố, dưới ánh đèn đường vàng vọt, ông bỗng thấy phía trước bóng dáng quen quen của Linh đang ngóng vào trong một ngõ hẻm như đang chờ đợi ai. Cũng đã xong việc, rảnh rỗi, ông đỗ chiếc xe ô-tô sát vào ven đường, hé kính xuống và tò mò quan sát. Lát sau, một cậu trai trạc tuổi Linh đi ra, tay cầm chiếc túi mà cô nhân viên của ông vẫn thường để đựng thức ăn xin về hằng ngày. Ông nghe rõ tiếng Linh hỏi:
– Sao vẫn còn đồ ăn à?
– Tớ mới đưa một túi cho nhà bà Bình đồng nát, ba đứa cháu bà ấy thích quá! Rõ khổ, mấy bà cháu đi cả ngày mà chỉ ăn bánh mì chấm đường – Tiếng cậu con trai trả lời – Còn túi này tớ định mang sang nhà chú Tính “cụt”, nhưng chú ấy đi bán báo chưa về.
– Thôi, phần chú Tính để mai, còn túi này tối nay phần cho nhà bác Hảo “mù” ngoài bãi vậy!
Nghe đến đây thì ông Hoàng đã hiểu tất cả những việc làm và tấm lòng thơm thảo của cô sinh viên nhỏ bé cùng người bạn của mình. Các bạn trẻ ấy không chỉ có ý chí vượt khó vươn lên mà còn có tấm lòng nhân ái, biết cảm thông và sẻ chia với những số phận khốn khó trong cuộc sống hôm nay…
Tối hôm sau, chính tay ông Hoàng lựa chọn những đĩa thức ăn vẫn còn nguyên của không ít thực khách giàu có mới chỉ “động đũa” gọi là và cho vào hộp xốp để đưa Linh. Trước đôi mắt mở tròn ngạc nhiên của cô gái, ông mỉm cười:
– Cháu giúp bác gửi mấy cái hộp này đến nhà bà Bình, chú Tính và bác Hảo “mù” ngoài phố bờ đê nhé.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()