tle=”Tấm lòng người dân Hà Nừng với Bác Hồ”> Một góc làng Hà Nừng của người Ba Na hôm nay. – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội không chỉ là công trình văn hóa, mà còn mang yếu tố tâm linh, là nơi hội tụ và thể hiện tình cảm và tấm lòng của nhân dân cả nước đối với vị Cha già của dân tộc. Ít ai biết rằng, trong vô vàn tình cảm và tấm lòng ấy có sự đóng góp bằng cả mồ hôi, công sức và tình cảm của đồng bào Ba Na xa xôi thuộc làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai ngày nay.
Được biết đến qua sách báo và các tài liệu lịch sử ghi lại, nhưng mãi đến những ngày cuối tháng 8 năm 2012 vừa qua, chúng tôi mới có dịp về Kbang và được các anh ở huyện đưa về làng Hà Nừng để gặp lại một số người từng trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến dịch “kéo gỗ” về xây Lăng Bác. Những người của ngày xưa ấy bây giờ không còn nhiều, có người đã mất, người tuổi đã cao…vậy mà khi được gợi lại ký ức của những việc làm ý nghĩa này, dù đã cách đây gần 40 năm nhưng có lẽ vì tình cảm và lòng kính yêu đối với Bác không hề phai nhạt, ai cũng phấn khởi và tự hào khi kể về công việc của mình đã làm.
Ông Đinh Văn Đoàn, dân tộc Ba Na lúc đó là Bí thư xã đoàn nhớ lại: Vào đầu năm 1974, đồng chí H’Nhan, cán bộ của Tỉnh uỷ Gia Lai Kon Tum và đồng chí Đinh A, Bí thư Tỉnh đoàn được cử về làng Hà Nừng thông báo chủ trương của Đảng về việc đưa gỗ để xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội ai cũng phấn khích, mặc dù biết đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Lúc đó, trong rừng gỗ thì rất nhiều song khai thác và vận chuyển là điều không phải dễ, bởi không có máy cưa mà chỉ có dao với rựa; không có phương tiện vận chuyển bằng xe cơ giới mà chỉ làm bằng thủ công. Đã vậy, vì Kbang nói chung, Hà Nừng nói riêng là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Gia Lai nên cũng đồng thời là vùng trọng điểm đánh phá của địch… Gỗ là loại quí, tốt, dao, rựa đưa vào dội ngược ra nhưng vì biết việc làm của mình có ý nghĩa lớn lao nên dân làng chúng tôi động viên nhau phải làm cho tốt, phải bảo đảm đúng thời gian Trung ương quy định. Ngày làm đêm nghỉ, và đúng một tháng lẻ hai ngày, dân làng Hà Nừng đã hoàn thành khối lượng công việc được giao. Tuy không ai còn nhớ cụ thể là khối lượng gỗ đã chặt là bao nhiêu mà chỉ biết là nhiều, nhiều lắm.
Ông Đinh Văn Đoàn cùng với các trai làng lúc đó là Đinh A Nhô, Đinh Kriêng, Đinh Thị Pẻ… trực tiếp tuyên truyền, vận động dân làng thực hiện chủ trương này của Đảng và Chính phủ và đã huy động hơn 100 người tự nguyện tham gia. Mỗi người một việc và được phân công nhau cụ thể phù hợp với thực tế từng khâu công việc: Người già, người lớn tuổi vào rừng chặt gỗ, thanh niên trẻ khoẻ kéo gỗ, còn phụ nữ lo cơm ăn nước uống hàng ngày. Loại gỗ chặt hạ là gỗ quý thuộc nhóm A (chủ yếu là các loại gỗ hương, trắc và cẩm lai), trước khi vận chuyển đều được đẽo thành những khúc gỗ vuông, có chiều dài theo kích cỡ 3,5 mét, đường kính 1mét. Những người tham gia chiến dịch đều được tổ chức ăn ở tại rừng. Cung đường kéo gỗ từ rừng đến điểm tập kết giao cho các đơn vị bộ đội xa đến hơn 12 km, đường rừng chủ yếu nên dân làng phải dùng tời và kéo bằng sức người là chính. Bà Đinh Thị Pẻ, người phụ trách lo cơm nước hàng ngày cho “đội quân” tham gia chiến dịch ngày ấy tâm sự trong niềm vui sướng và tự hào: Tổ hậu cần lúc đó chỉ có mười chị em nhưng phải lo cho hơn 100 người ăn, tuy công việc không vất vả, cực nhọc bằng các trai làng, song việc lo toan hàng ngày cũng quan trọng không kém. Hồi đó, chiến tranh khổ lắm, gạo ít nên phải độn, thức ăn chủ yếu chỉ có rau rừng với muối. Lâu lâu, tổ hậu cần cắt cử người về làng mang hàng hoá về xuôi đổi lấy cá khô, nước mắm mang về mới có điều kiện cải thiện được bữa ăn. Mình thường nói với chị em rằng, thương Bác Hồ là phải làm theo Đảng; việc đưa gỗ ra Hà Nội xây dựng Lăng Bác là trách nhiệm cao cả của cả dân làng mình.
Đến nay, nhiều người tham gia chiến dịch “kéo gỗ” hồi ấy giờ đã không còn; số còn sống cũng đã lên niên lão, sức khỏe đã yếu nhưng tình cảm và tấm lòng của họ và người dân làng Hà Nừng với Bác thì không bao giờ cạn. Ông Đinh A Nhô có lẽ là người may mắn nhất trong số những người hiện còn sống vì vinh dự được ra Hà Nội và vào Lăng viếng Bác hai lần vào năm 1985 và năm 1987, trong đó có một lần đi theo đoàn do huyện Kbang tổ chức và một lần ông tự bỏ tiền đưa cả vợ con cùng đi.
Ông Đinh A Nhô phấn khởi: Lần đầu, mình được ra Hà Nội rồi được vào thăm Lăng Bác trong lòng luôn bồi hồi và xúc động, bởi ngoài việc được tận mắt nhìn thấy Bác là người trần, mắt thịt, mình vẫn muốn được nhìn thấy Lăng Bác, muốn được tận mắt, tận tay sờ những tấm gỗ mà chính mồ hôi và công sức của người dân Hà Nừng mình gửi ra để đóng góp cùng với nhân dân cả nước xây Lăng Bác.
Công lao của người dân làng Hà Nừng trong những năm chiến tranh chống giặc ngoại xâm đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Đồng chí Đinh Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lang, cho biết: Làng Hà Nừng là vùng căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày thống nhất đất nước, nhờ thường xuyên nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, người dân xã Sơn Lang nói chung và bà con Ba Na làng Hà Nừng nói riêng đã từng bước tạo lập cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Làng hiện có hơn 100 hộ với khoảng 700 nhân khẩu đang có cuộc sống yên bình và ngày càng đầy đủ hơn về các mặt sinh hoạt; hệ thống điện thắp sáng đã được kéo đến tận hộ dân, đường sá đi lại thuận lợi, 100% con em trong độ tuổi đều đến trường lớp học, đau ốm có cơ sở y tế điều trị miễn phí. Cả làng hiện chỉ còn khoảng 20% hộ nghèo theo tiêu chí mới, số hộ vươn lên khá và giàu ngày càng nhiều bằng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá như cà phê, bời lời, nuôi bò lai…
Luôn phát huy truyền thống là quê hương cách mạng, người Ba Na ở đây một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ và việc góp gỗ xây Lăng Bác ở Hà Nội cho đến bây giờ vẫn là niềm tự hào của người dân Hà Nừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()