Tấm lòng người dân Châu Thới với Bác Hồ
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ít tỉnh nào có đến hai Đền thờ Bác Hồ như Bạc Liêu. Đặc biệt, Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, xây dựng với quy mô lớn và đẹp nhất ĐBSCL hiện nay, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục tấm gương đạo đức Bác Hồ, truyền thống cách mạng kiên cường của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...Chúng tôi trở lại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), mảnh đất trung dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, nhân dân, nhất là những người dân từng không sợ hy sinh, gian khổ, tham gia tích cực xây dựng Đền thờ Bác Hồ trong những năm chiến tranh vô cùng ác liệt, chúng tôi càng khâm phục hơn những cán bộ và người dân ở mảnh đất Anh hùng này.Ngày ấy, ngay sau khi nghe tin Bác mất, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi đã biến...
Chúng tôi trở lại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), mảnh đất trung dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, nhân dân, nhất là những người dân từng không sợ hy sinh, gian khổ, tham gia tích cực xây dựng Đền thờ Bác Hồ trong những năm chiến tranh vô cùng ác liệt, chúng tôi càng khâm phục hơn những cán bộ và người dân ở mảnh đất Anh hùng này.
Ngày ấy, ngay sau khi nghe tin Bác mất, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi đã biến đau thương thành hành động, thể hiện tấm lòng thương tiếc Bác, tin tưởng vào cách mạng, vào chiến thắng bằng việc huy động sức người, sức của xây dựng Đền thờ Bác ngay gần đồn bốt giặc. Mặc dù bọn Mỹ – ngụy rất “cay cú” tìm mọi cách ngăn chặn, bắt bớ người dân, nhằm phá hoại việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ, song Đảng bộ, quân dân xã Châu Thới nói riêng, huyện Vĩnh Lợi nói chung không hề sợ hy sinh, gian khổ, huy động hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Đền thờ Bác Hồ là biểu tượng của lòng quyết tâm theo Đảng, theo Bác, thực hiện đến cùng mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước…
Ông Năm Thanh ở xã Châu Thới, kể: Đền thờ Bác Hồ ngày ấy được xây dựng ở ấp Bà Chăng, xã Châu Thới. Ban đầu, Đền thờ được dựng bằng cây lá, có ảnh Bác để nhân dân, chiến sĩ đến viếng. Ông Năm Thanh là một trong những người được nhiệm vụ canh giữ Đền thờ. Ông vẫn còn nhớ như in bên kia sông là đồn giặc, Đền thờ Bác Hồ bị đốt phá ba lần. Mỗi lần bị giặc đốt phá, ngay lập tức Đảng bộ, nhân dân xã Châu Thới dựng lại chắc chắn hơn và được nhân dân bảo vệ bằng cả sinh mạng, đến nỗi bọn giặc chẳng dám đến gần. Ở xã Châu Thới nói riêng, huyện Vĩnh Lợi nói chung ngày ấy rất nhiều nhà treo ảnh Bác, cờ nước. Đặc biệt, tới Tết Nguyên đán hay ngày giỗ Bác, mọi nhà lại bày ra trước hiên nhà thắp hương. Khi hay tin Mỹ – ngụy đến càn quét lại cất vô. Tấm ảnh Bác Hồ từ thời đó vẫn được ông Năm Thanh giữ cẩn thận, bày trang trọng trên bàn thờ Bác đến tận bây giờ… Có Đền thờ Bác Hồ, người dân Châu Thới nói riêng, nhân dân Bạc Liêu nói chung càng tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nhất định sẽ thắng lợi, bắc – nam sum họp một nhà.
Đã hơn 40 mùa xuân Bác đi vào trong cõi vĩnh hằng, nhưng đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Đội trưởng bảo vệ Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, từng quyết tử để bảo vệ đền, vẫn luôn nhớ mãi những ngày cùng đồng đội đi nhặt những trái pháo lép của địch, lấy trộm những trái lựu đạn mang về chế tạo lại để dùng làm “chướng ngại vật” ngăn chặn giặc phá Đền thờ Bác. Sau ngày giải phóng, ông Khoa tiếp tục làm công việc bảo vệ chăm sóc Đền thờ Bác hơn 35 năm liền. Với tình cảm sâu nặng đối với Bác, ông Khoa tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc.
Còn với bà Lê Thị Đầm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới, từ khi Bác Hồ mất đến nay, năm nào bà cũng làm một mâm cơm giản dị cúng Bác, vì biết rằng “nếu làm sang trọng, lãng phí quá Bác sẽ không vui”. Đó là ngày gia đình quây quần bên nhau, mỗi lần như thế là một câu chuyện về Bác sẽ được cô Đầm kể cho các cháu nghe. Mâm cơm cúng Bác bao giờ cũng có chén mắm nêm và đĩa cà pháo, vì đó là món ăn dân dã của quê nhà.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và nay còn là địa điểm du lịch thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đến tham quan, viếng Bác. Hằng năm, các lễ dâng hương, lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới, vui Trung thu,… đều được tổ chức tại đây. Năm 1998, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Bác (giai đoạn 1), mở rộng diện tích lên 11.000 m2, với vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Tổng diện tích của dự án tu bổ, tôn tạo lần này mở rộng đến 45.000 m2 với tổng mức vốn đầu tư theo dự toán hơn 54 tỷ đồng, nguồn vốn do Nhà nước, địa phương và đóng góp của nhân dân.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Tỉnh đang tiếp tục thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Khu di tích Đền thờ Bác ở xã Châu Thới giai đoạn 2. Hiện nay, Khu di tích mới kết thúc giai đoạn 1, bao gồm công trình che đền thờ, nhà trưng bày, công viên cây xanh, nhà khánh tiết, hội trường… Đặc biệt, tại đây có hơn 400 hình ảnh, hiện vật được trưng bày theo ba chủ đề: Bác Hồ với miền nam, miền nam với Bác Hồ; tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đối với Bác; và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Trung ương và lãnh đạo địa phương thăm viếng Đền thờ Bác. Chung quanh tượng đồng Bác Hồ là hình ảnh 79 con chim lạc, tượng trưng cho 79 mùa xuân Bác tại thế, đồng hành, dẫn dắt dân tộc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm công trình lịch sử – văn hóa này; đồng thời chỉ đạo sâu sát các sở, ngành có trách nhiệm xây dựng công trình đạt chất lượng, thẩm mỹ cao, thể hiện tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu…”
Theo Nhandan
Ý kiến ()