tle=”Tấm huy chương vàng và “chuyện buồn” của người thầy”> yerText”> Xem thêm:3 ảnh Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen cho học sinh Lê Huy Quang.
Kỳ thi Olympic vật lý Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 13 vừa qua, Lê Huy Quang, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đoạt HCV. Chuyến công du đua trí, đua tài của thầy, trò trường THPT chuyên Lam Sơn, sánh vai cùng 21 quốc gia trên đấu trường châu lục, bên cạnh niềm vinh quang tỏa sáng, còn có chuyện buồn riêng của người thầy.
Liên lạc với thầy Lê Văn Hoành, người trực tiếp dạy học sinh Lê Huy Quang, tôi mới hay cuối tuần thầy thường về quê báo hiếu với tổ tiên. Trong thời gian hai thầy trò đang ở Ấn Độ, dự thi Olympic vật lý Châu Á thì đấng sinh thành gặp bạo bệnh, không qua khỏi. Vẫn biết tuổi già như ngọn đèn trước gió, nhưng khi về tới sân bay Nội Bài mới hay hung tin, người thầy thấy mình chưa tròn chữ hiếu với cha già.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, Lê Văn Hoành ham học từ nhỏ. Nhìn “láng giềng gần” Hoằng Lộc, Hoằng Quang với nhiều sĩ tử từng giật giải trạng nguyên dưới triều đại khoa cử phong kiến Việt Nam, truyền thống của vùng quê “trọng học, mến tài” tác động không nhỏ tới việc lựa chọn hướng đi, động cơ phấn đấu của Lê Văn Hoành. Thêm nữa hình ảnh người cha mẫu mực, tận tâm với học sinh trường làng; người mẹ lam lũ, gắn bó với khoảnh vườn, thửa ruộng, chắt chiêu nuôi con ăn học luôn nhắc nhở Lê Văn Hoành không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong học tập để lập thân, lập nghiệp.
Từng đoạt giải ba Toán học toàn miền bắc, trúng tuyển lớp chuyên quốc gia, rồi theo học khoa Vật Lý, Trường đại học sư phạm Vinh, năm 1982 tốt nghiệp với tấm bằng ưu, thầy Lê Văn Hoành được điều chuyển về trường THPT Lam Sơn công tác. Đây cũng là thời điểm thành lập lớp chuyên Lý ở trường THPT Lam Sơn, tiền thân của khối chuyên Lý trường THPT chuyên Lam Sơn ngày nay.
Dù được đào tạo cơ bản nhưng thầy phải mất thêm 10 năm cặm cụi dịch các tài liệu tiếng Nga phục vụ học tập, giảng dạy và hiện thầy thường xuyên cập nhật thêm kiến thức mới của môn Vật lý nhằm nâng cao chất lượng truyền đạt tri thức cho học sinh. Không ngừng học hỏi, nỗ lực rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Lê Văn Hoành và các thế hệ học trò đã gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc gia, châu lục, thế giới.
30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, các thế hệ học sinh do thầy chủ nhiệm, giảng dạy đã đoạt 87 giải quốc gia; 6 giải châu lục, quốc tế, trong đó có 1 HCV, 1HCB, 3 HCĐ, 1 khuyến kích. Đồng nghiệp ghi nhận ở thầy tình yêu nghề, gắn bó với môi trường sư phạm, tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Bản thân thầy giáo Lê Văn Hoành từng có 15 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại A hoặc B của ngành giáo dục; được UBND tỉnh tặng 23 Bằng khen; bốn lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và một lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2010 thầy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và hiện thầy được tập thể nhà trường tín cử cơ quan thẩm quyền phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
Điều người thầy luôn thấy “mắc nợ” trong lòng là sau ngày mất, đấng sinh thành phải nằm 21 ngày trong phòng lạnh đợi người con từ Ấn Độ trở về chịu tang; mấy lần thầy Lê Văn Hoành đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để hoàn trả khoản kinh phí 24 triệu đồng nhưng tập thể bệnh viện nhất quyết không nhận. Thầy nghĩ sâu xa hơn là niềm tin yêu của các thế hệ học sinh, gửi gắm của các bậc phụ huynh, sự kỳ vọng của tỉnh, quan tâm của các ngành và uy tín, thương hiệu của trường THPT chuyên Lam Sơn, cái nôi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước luôn đòi hỏi thầy, các thế hệ học sinh phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, tất cả trông đợi ở cái tâm, cái đức của người thầy, kết quả học tập của các thế hệ học trò và cần lắm những phát minh khoa học của người Việt Nam trong thời đại kinh tế tri thức.
Ý kiến ()