Tấm gương sáng ngời tự phê bình và phê bình
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tấm gương sáng ngời về những cống hiến to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đồng chí nêu tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình.Theo quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỗi khi nội bộ của Đảng có nhận thức khác nhau về quan điểm trên những vấn đề cụ thể, thì giải pháp tốt nhất là phải nêu cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình để củng cố tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.Trong giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương, có một sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra là ngày 30-4-1939, tại Nam Kỳ, tiến hành cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (còn gọi là Hội đồng Thuộc địa) được thành lập do Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ký ngày 8-2-1880. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn cho Thống đốc Nam Kỳ (người Pháp) về các vấn đề kinh...
Theo quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỗi khi nội bộ của Đảng có nhận thức khác nhau về quan điểm trên những vấn đề cụ thể, thì giải pháp tốt nhất là phải nêu cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình để củng cố tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Trong giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương, có một sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra là ngày 30-4-1939, tại Nam Kỳ, tiến hành cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (còn gọi là Hội đồng Thuộc địa) được thành lập do Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ký ngày 8-2-1880. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn cho Thống đốc Nam Kỳ (người Pháp) về các vấn đề kinh tế, xã hội. Hội đồng có cả người Pháp và người Việt Nam tham gia, thông qua hình thức tuyển cử. Trong cuộc tuyển cử này, theo chủ trương của Đảng, báo Dân chúng và tạp chí Đông phương, hai cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản ở Sài Gòn lúc ấy, hoạt động công khai, cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, hoạt động với tư cách như là nghị viện. Hai tờ báo và tạp chí của Đảng cùng với báo Đời nay và Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), xuất bản ở Hà Nội, đã viết những bài kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu bầu cho các đại biểu nhân sĩ, trí thức, do Đảng Cộng sản Đông Dương cử ra, gồm Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai. Trong khi đó, nhóm báo La Lutte (Tranh đấu) của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, khác chính kiến, cũng viết nhiều bài đăng báo tuyên truyền cho nhóm ứng cử của mình. Kết quả, nhóm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch thắng cử và nhóm Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai thất cử. Sau thất bại của nhóm nhân sĩ, trí thức do Đảng cử ra, trong Đảng nảy sinh những quan điểm đánh giá khác nhau và có những ý kiến bất đồng giữa lãnh đạo với lãnh đạo, giữa lãnh đạo với đảng viên, giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với quần chúng, giữa quần chúng với quần chúng. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi hai tờ báo và tạp chí lớn của Đảng là Dân chúng và Đông phương lại công kích nhau công khai trên báo chí. Những cuộc bút chiến nổ ra trong hàng ngũ những người cộng sản, phê phán nhau về thất bại cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Cuộc phê phán nhau gay gắt đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có hai quan điểm nhận thức mâu thuẫn trong hàng ngũ những người cộng sản và những người cách mạng Việt Nam lúc ấy là chủ trương chỉ cần đánh đổ Đảng Lập hiến và chủ trương không đánh đổ một giai cấp nào, một đảng phái nào của người bản xứ. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ phê phán cả hai quan điểm trên, cho đó chỉ là những ý kiến cá nhân, chứ không phải là quan điểm của Đảng. Với bút danh Trí Cường, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” và các bài viết khác, như “Phê bình bài trả lời cho nhựt báo của ông Hải Phong”, “Nhân dân xứ này đối với Hội đồng quản hạt”, “Những thái độ sai lầm của mấy ông dân biểu Bắc Kỳ”, “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm, Chủ nhiệm báo Tự do”, “Mặt trận dân chủ và Mặt trận công nông trong vụ tuyển cử Hội đồng Quản hạt”, ký dưới bút danh Trí Thành và “Mấy lời cùng độc giả” ký dưới bút danh Dân Chúng đặt vấn đề phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng và trong hàng ngũ những người cách mạng. Đồng chí nổi lên như một cây bút luận chiến sắc sảo, một nhà lý luận và hoạt động thực tiễn tầm cỡ của Đảng, dùng lý luận chính trị đánh thẳng vào những phần tử cải lương, cơ hội, giả danh cộng sản.
Trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nêu lên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của những người cộng sản trong cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ là do những người lãnh đạo Đảng chưa đủ sức lãnh đạo dân chúng, chưa đủ sức vận động, thuyết phục các đảng phái, nhân vật cấp tiến liên hiệp hành động; phong trào quần chúng chưa đủ mạnh; phương pháp vận động tuyên truyền còn ấu trĩ, như không đặt vấn đề tuyên truyền về đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi tự do, cải thiện dân sinh, mà lại đi tuyên truyền những vấn đề khác; hơn nữa, những người cộng sản đã mất cảnh giác với những phần tử phản cách mạng và cải lương.
Có thể nói đây là một tác phẩm mẫu mực về tự kiểm điểm, tự chỉ trích, tức là tự phê bình trong Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rõ quan điểm nhận thức đúng về tự phê bình và phê bình. Theo đó, tự phê bình và phê bình không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên quyền lợi của Đảng, của cách mạng, mà phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Con đường chính trị của Đảng là đúng đắn. Tuy nhiên, Đảng mới thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sai lầm. Đảng phải thấy điều đó để đề ra biện pháp khắc phục. Theo đồng chí, nhiệm vụ của chúng ta là phải có ý thức xây dựng Đảng, phải cùng với Đảng nhìn ra những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, như việc chưa tập hợp được những phần tử cấp tiến đi theo Đảng, chưa tập hợp được quần chúng tham gia vào sinh hoạt chính trị của Đảng. Chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất của Đảng là đúng nhưng tổ chức thực hiện không tốt, chưa làm cho mọi người hiểu được việc liên hiệp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái tiến bộ để chống phát-xít và chế độ thuộc địa phản động là một hình thức đặc biệt của Mặt trận phản đế rộng rãi ở Đông Dương trong lúc này… Qua tự phê bình trong Đảng, đồng chí nêu rõ quan điểm liên hiệp các tầng lớp nhân dân, các lực lượng cải cách dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, để chống phản động thuộc địa, chống phát-xít, đòi dân sinh, dân chủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ xem tự phê bình và phê bình là nguyên tắc giáo dục và tự giáo dục của đảng cách mạng chân chính. Cơ sở khách quan của tự phê bình và phê bình là những mâu thuẫn biện chứng, khác biệt về lợi ích của các giai cấp và các nhóm xã hội, xuất hiện trong quá trình phát triển của lịch sử, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái đúng và cái sai, cái tiến bộ và cái bảo thủ. Việc khẳng định cái mới, khắc phục những trở ngại trên bước đường đi lên của cách mạng chỉ có thể thực hiện thông qua tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình là phương tiện để khắc phục cái tiêu cực, phát triển cái tích cực, tăng thêm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tự phê bình và phê bình là sinh hoạt chính trị rất quan trọng. Nó động chạm tới các lợi ích khác nhau, cho nên điều quyết định là vấn đề xét xem đứng trên lập trường nào mà tự phê bình và phê bình, phê phán cái gì và để đạt tới cái gì. Phê bình chỉ có thể được tiếp thu khi nó vì lợi ích của Đảng, của nhân dân. Thái độ đối với tự phê bình và phê bình là sự thật thà, thành khẩn trong phê bình và tự phê bình. Đó là hòn đá thử vàng để đánh giá sự trưởng thành về mặt chính trị của các đảng viên cộng sản, của các cấp ủy đảng, của những người lãnh đạo cấp cao của Đảng. Vì vậy, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa ngày càng to lớn, làm cho Đảng ngày một mạnh lên.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về tự phê bình và phê bình sẽ giúp Đảng ta khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém hiện nay, giúp cho Đảng ta vượt qua mọi khó khăn thách thức, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là cầm quyền.
Tấm gương sáng ngời về tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn mãi ngời sáng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()