“Tấm giáp” nào cho doanh nghiệp khi giá nông sản lại “đua nhau” lập đỉnh
Bước vào năm 2022, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp chăn nuôi khi giá nông sản lại một lần nữa dậy sóng.
Năm 2021 là giai đoạn tất cả các hoạt động kinh tế nước ta đều gián đoạn, các ngành sản xuất đều chật vật khôi phục và vượt qua đại dịch Covid-19. Diễn biến này vẫn tiếp tục kéo dài sang đầu năm nay và ngành chăn nuôi cũng không phải là ngoại lệ khi chịu sức ép từ cả đầu ra lẫn đầu vào.
Ngô và đậu tương là 2 nguyên liệu chính được sử dụng chủ yếu trong thành phần thức ăn chăn nuôi tại nước ta và có đến gần 70% khối lượng cần thiết có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 triệu tấn ngô, mặc dù giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 45,3% về giá so năm 2020. Khối lượng nhập khẩu đậu tương đạt 2 triệu tấn, tăng cả khối lượng lẫn giá và lần đầu cán mốc 1 tỷ USD. Chính vì thế, biến động giá nông sản thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu chi phí của ngành chăn nuôi nước ta.
Giá nông sản đồng loạt tăng mạnh lên mức cao nhất trong vài tháng qua
Cụm từ “chu kỳ tăng giá” được nhắc đi nhắc lại trong năm ngoái giá các loại hàng hóa tăng vọt và đơn vị phải tính bằng lần so vài tháng trước đó. Giá ngô và đậu tương tăng mạnh cũng đã làm chao đảo nhiều doanh nghiệp trong ngành. Nếu như năm ngoái, câu hỏi bao giờ giá nông sản ổn định trở lại là chủ đề được thảo luận sôi nổi thì hiện tại, khi 2 mặt hàng này một lần nữa “lập đỉnh”, gây sức ép lên chi phí đầu vào, ngành chăn nuôi lại ở trong tình thế khác. Triển vọng giá các mặt hàng sẽ vẫn ở mức cao trong dài hạn, thay vì những kỳ vọng giảm giá trong tương lai, sự cạnh tranh nằm ở việc “thích nghi”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 được giao dịch liên thông với thế giới qua Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam đã tăng lên mức 627 cents/giạ (~ 247 USD/tấn). Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất của ngô trong vòng 7 tháng qua. Giá đậu tương cũng tăng hơn 2% và chạm mức đỉnh trong năm ngoái.
Nguồn cung từ các nước Nam Mỹ đều bị thiệt hại
Bên cạnh Mỹ, khu vực Nam Mỹ cũng là nơi sản xuất nông sản lớn trên thế giới. Brazil, Argentina và Paraguay đều là 3 nước đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cung cầu ngô và đậu tương. Nhập khẩu ngô của Việt Nam phần lớn cũng đến từ thị trường Argentina, chiếm 59% khối lượng, đạt 5,92 triệu tấn.
Thời tiết bất lợi trong giai đoạn phát triển của cây trồng ở các quốc gia này không chỉ tác động mạnh mẽ đến giá các mặt hàng trong thời gian qua mà còn tạo áp lực về nguồn cung cho các doanh nghiệp nhập khẩu ở nước ta.
Mới đây, sản lượng của các nước Nam Mỹ đều lần lượt bị cắt giảm trong đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới. Tại Argentina, mùa vụ ngô và đậu tương tưởng chừng như sẽ khôi phục phần nào sau giai đoạn hạn hán nghiêm trọng kéo dài, nhưng lượng mưa 2 tuần qua đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên cây trồng.
Những trận mưa lớn đã xảy ra tại các khu vực gieo trồng, gây ra lũ lụt và làm giảm sút chất lượng mùa vụ. Hãng tin Reuters đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina xuống còn 43,6 triệu tấn, giảm 3% so với ước tính trước và thấp hơn so với mức 46,5 triệu tấn của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA).
Còn ở Brazil, tình trạng mùa vụ cũng nghiêm trọng không kém khi ước tính sản lượng có thể sẽ bị giảm tới 10 triệu tấn so với kì vọng ban đầu. Tại các khu vực miền nam nước này, cây trồng đang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khô nóng và thậm chí, những thiệt hại nghiêm trọng sẽ không thể phục hồi đối với đậu tương tại bang này, sau nhiều tuần khô hạn.
Một nước Nam Mỹ khác là Paraguay, cũng đang phải trải qua thời tiết tồi tệ nhất từ trước đến nay. Các báo cáo về năng suất cây trồng đã cho thấy những số liệu rất thấp và một số cánh đồng thậm chí còn không thể thu hoạch.
Triển vọng gieo trồng tại Mỹ khó có thể bù đắp vào nguồn cung toàn cầu
Bước sang năm 2022, khi nông dân Mỹ chuẩn bị bước vào mùa vụ gieo trồng mới vào đầu tháng 4, mối quan tâm của thị trường không chỉ dừng lại ở mùa vụ Nam Mỹ nữa. Trước gieo trồng, triển vọng nguồn cung sắp tới sẽ thể hiện qua số liệu diện tích gieo trồng dự kiến, được công bố sớm nhất vào giữa tháng 2, tại Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp 2022 của USDA. Nhu cầu, chi phí, và lợi nhuận là những yếu tố sẽ phản ánh trực tiếp vào ý định gieo trồng của nông dân.
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản Mỹ đang dần hạ nhiệt so với giai đoạn đầu năm ngoái do Trung Quốc tăng tỉ trọng nguồn cung từ Nam Mỹ và áp dụng các chính thúc đẩy nguồn cung nội địa, nhu cầu ngô sẽ khó có thể tăng mạnh. Chính vì thế nên mặc dù lợi nhuận gieo trồng ngô được dự báo vẫn khá tích cực nhưng có khả năng diện tích sẽ không thay đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, chi phí phân bón toàn cầu đang ở mức rất cao cũng hạn chế nông dân mở rộng sản xuất. Tại Mỹ, ngô chiếm 25% diện tích gieo trồng nhưng lại cần tới 40% khối lượng tiêu thụ phân bón. Vì quá trình phát triển phụ thuộc nhiều vào phân bón nên chi phí sẽ là cản trở lớn đối với nông dân có ý định gieo trồng ngô.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thời tiết bất lợi đang là yếu tố duy trì đà tăng của nông sản trong vài tháng qua và tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn có thể sẽ khiến giá các mặt hàng vẫn duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay.
Mặc dù việc phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài vẫn là một hạn chế nhưng các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta đã có những giải pháp thích ứng khi kết hợp với bài toán tài chính, sử dụng phòng hộ giá bằng hợp đồng tương lai. Với triển vọng giá nông sản liên tục đạt các mức cao thì đây sẽ là công cụ hữu ích, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề chi phí trong dài hạn.
Ý kiến ()