Tâm, đức và tài năng của người thầy
Cô và trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lạng Sơn) trong giờ học tiếng Việt
Cái tâm của người thầy
Trong các lớp bồi dưỡng chính trị, cuộc hội thảo, tập huấn, tọa đàm do ngành GD&ĐT tổ chức, có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề “thế nào là người thầy giáo tốt”. Cái “tâm” của người thầy giáo chung quy lại là đạo đức và lòng yêu nghề “yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.
Nhà giáo ưu tú Phan Lạc Tước, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An tâm sự rằng: “Cái “tâm” là một yêu cầu rất quan trọng của nghề giáo. Bất cứ nghề nào cũng vậy, không có tâm huyết thì không có hứng thú. Song đối với nghề đặc biệt này, tâm huyết dồn vào từng bài giảng, từng chi tiết nội dung để truyền cho học trò; có tâm huyết mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, có phương pháp tổ chức lớp, tổ chức bài giảng phù hợp với đối tượng học sinh để mang lại hiệu quả cao nhất”.
Đạo đức là yêu cầu quan trọng hàng đầu với mỗi con người. Với nghề giáo càng mang vị trí cốt yếu. Đạo đức làm nên uy tín tự thân của người thày, nhân cách của người thầy, có tác dụng tạo ra nhân cách của người học, thuyết phục được người học. Đạo đức thể hiện ở thái độ, tác phong, sự chuẩn mực trong lối sống và các mối quan hệ xã hội. Ngoài nhà trường, đạo đức người thầy có tác dụng thu phục nhân tâm, trong nhà trường, người thày trở thành mẫu mực cho học sinh. Người thầy không chỉ là nhà sư phạm, mà còn là nhà mô phạm.
Nhà giáo ưu tú Phan Lạc Tước với học sinh cũ
Cái tâm, cái đức của nhà giáo hôm nay là sự tiếp nối truyền thống, là sự nhận “bàn giao thế hệ” của các nhà giáo lớp trước. Cô giáo Trần Hồng Đoài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Nham ( Hữu Lũng), cô Vi Thị Học, giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, thầy giáo Nông Thanh Thiện, giáo viên Trường THPT Bình Gia- những người được phong tặng danh hiệu “ Nhà giáo ưu tú” năm 2014 là những tấm gương tiêu biểu.
Cái đức của người thày là sự hy sinh “tất cả vì học sinh thân yêu”, không vụ lợi, không phân biệt đối xử. Cái đức là sự kiên quyết chống cái xấu, cái sai trong xã hội, trong nhà trường, chính bản thân và đồng nghiệp, nói phải đi đôi với làm.
Có thầy giỏi mới có trò giỏi
Đã là thầy phải có năng lực về tri thức và tầm hiểu biết, mà trụ cột là năng lực sư phạm. Trong thời đại ngày nay, người học tiếp cận với rất nhiều kênh thông tin, hiểu biết rất nhiều. Tuy vậy, họ vẫn khâm phục những người thày hiểu sâu, biết rộng, điều đó chinh phục họ, và chính đó là một trong những yếu tố tạo uy tín cho người thầy. Giáo dục hiện đại “lấy người học làm trung tâm” đòi hỏi người thầy không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn là tổ chức và điều khiển người học, hướng họ tìm kiếm và lĩnh hội tri thức. Cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung, Trường Mầm non xã Đồng Giáp – vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Quan luôn tìm tòi cách truyền thụ cho học sinh người dân tộc. Cô giáo Sái Thị Kim Thoa, Trường Tiểu học Châu Sơn (Đình Lập) luôn học hỏi, sáng tạo trong dạy học, vươn lên trở thành giáo viên giỏi cấp toàn quốc… và trên 3.500 giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của Lạng Sơn là những điển hình về cái tài của đội ngũ giáo viên trẻ hôm nay.
Trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã không ngừng thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Với trên 16 ngàn cán bộ giáo viên, tỷ lệ trên chuẩn đã ở mức gần 70%, tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp đạt gần 65%, đây chính là nguồn vốn quý của ngành. Tuy vẫn còn một bộ phận giáo viên còn yếu về chuyên môn, vẫn còn những “hạt sạn” về đạo đức nghề nghiệp, chính họ sẽ bị nghề nghiệp đào thải.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: có thầy giỏi mới có trò giỏi; để có được đội ngũ nhà giáo vững vàng trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, công tác giáo dục chính trị, đạo đức, bồi dưỡng chuyên môn đã được ngành GD&ĐT Lạng Sơn chú trọng hơn. Tuy vậy, dù ngành có mở hàng ngàn lớp bồi dưỡng cũng không thể thay thế được công tác tự bồi dưỡng, tu dưỡng của mỗi người, để tự “nâng tầm” bản thân. Đồng chí cũng mong rằng, với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, nhân dân, toàn xã hội chăm lo giúp đỡ, đồng thời giám sát đội ngũ nhà giáo, để đội ngũ nhà giáo Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện hơn.
Ý kiến ()