Tám địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng với người có công
Các đại biểu tại lễ gặp mặt tuyên dương 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng với phạm vi mở rộng hơn. Số liệu từ 49 tỉnh/thành phố có hồ sơ tồn đọng cho thấy, đến nay, tám địa phương đã giải quyết xong và 14 tỉnh không có tồn đọng. Như vậy, chỉ còn 27 địa phương còn hồ sơ tồn đọng với người có công
Trong lĩnh vực người có công, sau hơn ba năm kể từ khi ban hành Quyết định số 408 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành lao động, thương binh và xã hội đã giải quyết chế độ, hoặc giải đáp, trả lời 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm, với con số cụ thể là hơn 6.000 hồ sơ. Các đơn vị đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, hơn 2.600 thương binh. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiếp tục xem xét theo hướng mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân. Việc rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm.
Nhằm nâng cao mức sống người có công với cách mạng và gia đình, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, từ ngày 1-7-2019, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên. Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định là 1.624.000 đồng, trong khi quy định cũ là 1.515.000 đồng. Tổng ngân sách để tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng là khoảng 716 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ và người có công được triển khai sâu rộng. Trong tháng bảy năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc – hoạt động tri ân người có công thường niên đầy ý nghĩa diễn ra từ hàng chục năm nay. Chương trình có sự tham gia của 500 đại biểu là thương binh nặng, đại diện cho hơn 12 nghìn thương binh nặng trên toàn quốc. Đây là các đối tượng chủ yếu phải dùng xe lăn xe lắc, di chuyển khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Sự kiện nhằm tri ân, động viên các đồng chí thương binh nặng đã vượt lên thương tật, bệnh tật, ổn định cuộc sống, ghi nhớ công lao của họ với đất nước.
Ngoài ra, lễ trao bằng Tổ quốc ghi công đến 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân gia đình liệt sĩ của cả nước cũng được tổ chức trang trọng tại thành phố Vĩnh Long. Cổng thông tin điện tử tra cứu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ tại địa chỉ www.thongtinlietsi.gov.vnchính thức đi vào hoạt động từ ngày 26-7 trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên cổng thông tin có thông tin gần 847 nghìn mộ liệt sĩ của hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Thông qua việc thu thập dữ liệu từ địa chỉ chi tiết, tọa độ, người liên hệ, Bưu điện Việt Nam cũng lập danh sách số mộ liệt sĩ chưa biết tên cần khắc lại bia là hơn 53 nghìn mộ; cần rà soát bổ sung thông tin gần 136 nghìn mộ.
Ước tính, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú đạt khoảng 99,5%. Ngoài ra, 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2020, không còn hộ nghèo có thành viên là thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Thời gian tới, cần tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp cho lĩnh vực người có công nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Trước mắt, cần đánh giá tác động của Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh người có công với cách mạng, sau đó sớm ban hành văn bản quan trọng này nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách.
Theo Nhandan
Ý kiến ()