Taliban đề nghị được phát biểu, bổ nhiệm Đại sứ tại Liên hợp quốc
Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi, vừa được Taliban chỉ định, đã đề nghị được phát biểu trong khóa họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến kết thúc vào ngày 27/9 tới.
Taliban đã đề nghị được phát biểu tại phiên họp chung của Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đang diễn ra trong tuần này tại New York (Mỹ), đồng thời bổ nhiệm người phát ngôn của lực lượng này tại Doha Suhail Shaheen là Đại sứ của Afghanistan tại Liên hợp quốc.
Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi, vừa được Taliban chỉ định, đã đề nghị được phát biểu trong khóa họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến kết thúc vào ngày 27/9 tới.
Bức thư không nêu rõ ông Muttaqi sẽ đến phát biểu trực tiếp tại New York hay Taliban sẽ gửi đoạn băng hình bài phát biểu như nhiều nhà lãnh đạo khác do COVID-19.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq ngày 21/9 đã xác nhận lá thư của Ngoại trưởng Muttaqi, trong đó nêu rõ sứ mệnh của ông Ghulam Isaczai, đại diện cho chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani tại Liên hợp quốc “xem như đã chấm dứt và ông này sẽ không còn đại diện cho Afghanistan.”
Ông cho biết Taliban cũng đã gửi các yêu cầu trên tới ủy ban chứng nhận – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra tư cách của các đại sứ được quốc gia ủy nhiệm đại diện tại Liên hợp quốc, gồm 9 thành viên, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng ít có khả năng ủy ban chứng nhận họp bàn về vấn đề này trước ngày 27/9, do đó, vẫn chưa chắc chắn việc Taliban có phát biểu tại Liên hợp quốc hay không.
Theo quy định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nếu ủy ban chứng nhận chưa đưa ra quyết định, ông Isaczai vẫn là Đại sứ Afghanistan tại Liên hợp quốc.
Dự kiến ông Isaczai sẽ có bài phát biểu trong ngày 27/9, ngày họp cuối cùng tại phiên họp chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Giới quan sát nhận định nếu Liên hợp quốc chấp nhận đề nghị này, đây sẽ là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Taliban nhằm được cộng đồng quốc tế công nhận, góp phần giải ngân các quỹ cần thiết đối với nền kinh tế đang kiệt quệ của Afghanistan.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres từng khẳng định mong muốn của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận là “đòn bẩy duy nhất” để gây sức ép buộc lực lượng này phải thành lập một chính phủ mang tính bao trùm, tôn trọng các quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ, ở Afghanistan./.
Ý kiến ()