Tái xuất những băng trộm "ẵm tiền tỷ"
Thời gian gần đây, sau một thời gian tạm lắng, trên địa bàn thành phố Hà Nội lại tái xuất những ổ nhóm chuyên trộm két bạc. Đối tượng bọn chúng thường nhằm tới là những cơ quan, doanh nghiệp lớn…
Chỉ trong tháng 3, địa bàn Hà Nội đã xảy ra gần 10 vụ đột nhập, phá két lấy tiền, vàng.
Đêm 6 rạng sáng 7/3, kẻ gian đột nhập vào công ty Cổ phần kim khí Thăng Long (ở tổ 17, phường Sài Đồng, quận Long Biên), phá két sắt lấy trộm khoảng 820 triệu đồng. Trong két vẫn còn 13.700 USD và khoảng 70 triệu đồng.
Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra thì đêm 21 rạng 22/3 – trên địa bàn quận Long biên – kẻ gian đột nhập vào phòng quỹ (không khóa) cạy phá 3 cánh tủ sắt của 3 nhân viên giao hàng và thu tiền của Công ty TNHH nhựa tú Phương, trụ sở tại tổ 17, phường Sài Đồng, quận Long Biên (TP.Hà Nội) lấy đi 182 triệu đồng (trong phòng còn có 2 két sắt, không bị kẻ gian cạy phá).
Trước đó, 7h ngày 16/3, CA quận Đống Đa cũng đã nhận được tin báo của lực lượng bảo vệ cơ quan Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc: có kẻ gian đột nhập cơ quan lấy trộm tài sản gồm máy tính xách tay, máy ghi âm. Tổng giá trị tài sản khoảng hơn 60 triệu đồng.
Hay táo tợn hơn, kẻ gian còn đột nhập vào Bộ Tư pháp, phá cửa phòng làm việc của đồng chí Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp lấy số tiền khoảng 245 triệu đồng và 2.000 USD (tiền tiết kiệm và tiền ông Liên giữ hộ của dòng họ Hoàng).
Điểm chung của các vụ trộm két trong thời gian qua là các đối tượng dường như nắm khá rõ thời điểm – khi két bạc của các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân đang tích tiền trong két.
Sở dĩ những đối tượng trộm chuyên nghiệp thường nhằm vào két bạc bởi bấy lâu, theo thói quen của nhiều người: “kẹt bạc” là nơi an toàn nhất. Tuy nhiên, theo nhận định của một giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội: Thì đối với những tên trộm cao thủ thì thời gian phá két còn nhanh hơn việc lục soát tài sản tại nơi gây án.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy bọn trộm két bạc chuyên nghiệp thường sử dụng 2 cách để phá két. Phổ biến nhất là dùng xà cầy hoặc xà beng loại nhỏ, lách vào khe cửa két để cậy phá. Cách thứ 2 là dùng đèn khò (gồm 1 bình gas du lịch, 1 bình ôxy nhỏ và mũi hàn) để khoét, cắt kính cửa sổ hoặc cửa ra vào, thò tay mở khóa trong đột nhập, sau đó dùng tiếp đèn khò phá cửa két.
Với thủ đoạn này, bọn trộm có thể khoét bất cứ vị trí nào ở két sắt mà chúng muốn. Hơn nữa, với thủ đoạn này, các vật dụng để gây án đều nhỏ gọn nên các đối tượng có thể bỏ túi, tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.
Một điều tra viên Công an quận Long Biên cho biết, trước khi ra tay bọn chúng thường nghiên cứu rất kỹ quy luật sinh hoạt, nơi cất giữ két sắt của “con mồi”.
Nguy hiểm hơn là những băng nhóm tội phạm do người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi câu kết cùng một số đối tượng trong nước để gây án. Điển hình như vụ các đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc gồm: Bùi Công Minh (46 tuổi, cầm đầu), Hà Mãn Hiền (42 tuổi), Nhiếp Anh Hưng (33 tuổi), Dương Lập Ngọc (36 tuổi), Chu Khoáng Hồng (40 tuổi). Liên quan vụ việc một phụ nữ Việt Nam cũng bị xử lý hình sự là Lù Thị Mai (23 tuổi, ở thị xã Hà Giang).
Tang vật vụ án trộm két do Bùi Công Minh cầm đầu |
Sau khi bị bắt (15/9/2010), khai tại cơ quan điều tra, người cầm đầu tên Minh cho biết họ thường xuyên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; thuê nhà nghỉ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và mua xe máy làm phương tiện đi gây án.
Do đối tượng gây án thường cơ động, di chuyển liên tục với những thủ đoạn tinh vi nên về phía lực lượng Công an, cần tăng cường thông tin giữa các đơn vị, địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa và phối hợp đấu tranh, bắt giữ đối tượng gây án.
Ý kiến ()