Tái thiết Libya, cơ hội lớn cho Ai Cập
Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah vừa có chuyến thăm Cairo để tham dự phiên họp thứ 11 Ủy ban Hỗn hợp cấp cao Ai Cập – Libya (ELJHC). Với một loạt thỏa thuận hợp tác được ký kết trong chuyến thăm này, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Bắc Phi đang bước sang một trang mới, trong bối cảnh Libya sẵn sàng tiếp nhận một triệu lao động từ Ai Cập tham gia các dự án hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Libya Dbeibah đã phát động kế hoạch phát triển mang tên “Sự trở lại của cuộc sống”, bao gồm một loạt dự án thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, điện, giao thông, y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Lao động Libya Al-Abed cho biết, các nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) là thúc đẩy các kế hoạch tái thiết đất nước, thống nhất các thể chế nhà nước và mở đường cho các cuộc bầu cử vào tháng 12 tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Cairo của Thủ tướng Dbeibah, Ai Cập và Libya đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác và Biên bản ghi nhớ (MoU) thuộc các lĩnh vực từ công nghiệp, dầu khí đến nông nghiệp, truyền thông và hàng không dân dụng.
Với các thỏa thuận này, Libya cần số lượng lớn lao động có tay nghề để thực hiện các dự án, trong khi Ai Cập luôn có sẵn lực lượng lao động lớn như vậy để đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực cho nước láng giềng. Để thu hút và tạo điều kiện cho người lao động, Libya cam kết sẽ cung cấp cho người lao động Ai Cập bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, người lao động có thể được chuyển bảo hiểm hưu trí từ Libya về Ai Cập nếu họ quyết định trở về nước. Hơn nữa, người lao động có thể mang theo gia đình tới Libya và thực hiện các giao dịch ngân hàng để chuyển tiền về nước. Chính phủ Libya cũng thông báo về việc nối lại các chuyến bay thẳng tới thủ đô Cairo của Ai Cập.
Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Libya Salama Al-Ghwail thông báo, chính phủ nước này đã hoàn tất các thỏa thuận trị giá 1,5 đến 2 tỷ USD với các công ty Ai Cập để thực hiện các dự án điện tại Libya.
Theo truyền thông Ai Cập, các công ty Ai Cập sẽ giành được 60 đến 70% số dự án tái thiết tại Libya. Với ước tính chi phí cho kế hoạch tái thiết của Libya có thể lên tới 111 tỷ USD trong 10 năm, đây sẽ là cơ hội cho Ai Cập mở rộng đầu tư.
Các nguồn kinh phí chủ yếu cho công cuộc tái thiết đến từ ngân sách chính phủ, các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân và Chính phủ Libya cho biết sẽ hợp tác với nước láng giềng trong “hồ sơ tái thiết đất nước”.
Chính phủ Libya đang tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song các cuộc thương thuyết này chỉ tập trung vào vấn đề hỗ trợ kỹ thuật mà không bảo đảm bất kỳ khoản vay nào từ định chế tài chính đa phương toàn cầu. Công cuộc tái thiết của Libya hiện bị đình lại do dự luật ngân sách năm 2021 vẫn chưa được thông qua và các phe phái chưa đạt sự đồng thuận chính trị.
Là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ được cho là lớn nhất châu Phi, nhưng tình trạng hỗn loạn kéo dài ở Libya đã làm suy yếu nền kinh tế đất nước và khiến sản lượng dầu thô giảm mạnh.
Theo Bộ trưởng Tài chính Libya, nước này cần đầu tư 1,1 tỷ USD để tăng sản lượng khai thác dầu thô lên 2 triệu thùng/ngày. Libya đang nỗ lực tăng cường hợp tác với Ai Cập trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Như vậy, kế hoạch tái thiết Libya đang mang lại những cơ hội đầu tư lớn cho Ai Cập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()