Tại sao nhiều nước tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19?
Một số nước đã và đang có kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh minh họa: Reuters) |
Một số nghiên cứu về mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19
Theo hãng CNN, trong báo cáo quý 2/2021 công bố ngày 28/7 vừa qua, nhà sản xuất vaccine Pfizer (Mỹ) đã đưa ra dữ liệu cho thấy tiêm liều vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta. Theo đó, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng gấp 5 lần ở người 18 – 55 tuổi được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, ở người 65 – 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2.
Giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng, hiệu quả của vaccine mạnh nhất ở mức 96,2% trong 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Sau đó giảm xuống chỉ còn 83,7%. Sau mỗi hai tháng, con số này giảm trung bình 6%. Kết quả này có được sau khi Pfizer/BioNTech nghiên cứu hơn 44.000 người trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác.
Pfizer cũng đưa ra khuyến nghị tiêm liều thứ 3 dựa trên các nghiên cứu ở Israel, đất nước đã tiêm 2 liều cho gần 60% dân số bằng vắc xin Pfizer/BioNTech, theo The New York Times.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang web Medrxiv.org, khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) cách mũi thứ 2 từ 6 tháng trở lên. Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) điều chế. Vào tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ 3 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể tình nguyện viên. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vaccine AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên giảm dần theo thời gian.
Trước đó, tờ The Moscow Times ngày 5/5 dẫn lời nhà khoa học Nga Alexander Ryzhikov thuộc Viện Vector, nơi phát triển vaccine COVID-19 EpiVacCorona, cho biết, việc tiêm thử nghiệm mũi vaccine thứ 3 trên động vật đã giúp tăng cường hiệu quả cũng như thời gian miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Các thử nghiệm lâm sàng việc tiêm 3 mũi vaccine COVID-19 trên người giai đoạn thứ nhất và thứ hai đang được tiến hành. Ông Ryzhikov nhấn mạnh việc tiêm 3 mũi vaccine không kéo theo tác hại nào.
Các nước có kế hoạch triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3
Ngày 30/7, Israel đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ 3 cho những người trên 60 tuổi nhằm tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong nếu mắc COVID-19. Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra ở quốc gia Trung Đông từng được đánh giá “đã viết nên câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống COVID-19”.
Nhờ tiến hành chiến dịch tiêm vaccine nhanh nhất thế giới, Israel đã mở cửa trở lại nền kinh tế và dỡ bỏ tất cả những biện pháp phong tỏa còn lại vào ngày 1/6. Israel là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao trở lại do biến thể Delta, nước này đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tiêm chủng là một trong những biện pháp được nước này áp dụng và được coi là “giấy thông hành xanh” cho người dân khi tham gia những sự kiện đông người.
Tại Campuchia, phát biểu tại lễ khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 – 17 ngày 1/8, Thủ tướng Hun Sen cho biết mũi tiêm thứ 3 sẽ được ưu tiên dành cho 500.000 – 1.000.000 nhân viên tuyến đầu chống dịch. Tính đến ngày 31/7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành ở Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi có 4,7 triệu người đã tiêm mũi thứ 2.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm. Chương trình này dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.
Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn. Đến nay, hơn 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng tại Anh, với hơn 72,5% người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi, và 88,6% đã tiêm 1 mũi, trong khi hơn 68% số người từ 18 đến 29 tuổi cũng đã tiêm 1 mũi. Dự kiến, tới giữa tháng 9, tất cả người trưởng thành ở Anh sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Như vậy có thể thấy qua các nghiên cứu, hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Đây chính là lý do để giới khoa học một số nước khuyến cáo về việc tiêm thêm mũi thứ 3 để tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại loại virus nguy hiểm gây dịch COVID-19. Những nghiên cứu đầy đủ và hiệu quả của việc tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 sẽ cần có thời gian và thực tế chứng minh ở các nước triển khai việc tiêm chủng tăng cường này./.
Ý kiến ()