Tại sao Bộ GTVT bác đề xuất “xe dưới 9 chỗ phải là taxi”?
Bác đề xuất “xe dưới 9 chỗ phải là taxi”
Trong văn bản của Hiệp hội taxi Hà Nội- Đà Nẵng-TPHCM kiến nghị về Nghị định 86 gửi lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình ngày 11/7/2018 vừa qua có nêu nội dung: “Trong dự thảo Nghị định 86 có 3 loại hình vận tải hành khách dưới 9 chỗ gồm: xe taxi điện tử, xe hợp đồng điện tử và xe du lịch điện tử. Các hiệp hội taxi kiến nghị: Cần khẳng định và quy định tất cả các loại xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 09 chỗ có phương pháp tính tiền giống nhau (bằng đồng hồ taximeter hoặc phần mềm) dựa theo km và thời gian kinh doanh, hoạt động chủ yếu ở các thành thị, là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi”.
Bộ GTVT đã bác kiến nghị này trong dự thảo Nghị định 86 vừa trình lên Chính phủ đầu tháng 8 vừa qua. Đây cũng là nội dung Bộ GTVT xin ý kiến các thành viên Chính phủ do còn nhiều tranh cãi.
Theo đó, Bộ GTVT nêu rõ, về quy định đối với xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (TAXI ĐIỆN TỬ) và xe hợp đồng điện tử, Bộ GTVT nêu như dự thảo Nghị định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 16 (dự thảo quy định có cả XE TAXI ĐIỆN TỬ và XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ tham gia kinh doanh vận tải).
Đối với nội dung các Hiệp hội taxi kiến nghị, Bộ GTVT cho rằng, việc kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng được sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về Luật giao dịch điện tử, Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Bản chất của hợp đồng là khách hàng biết trước được giá trị hợp đồng (quãng đường, số tiền…) và quyết định có đi hay không trước khi ký hợp đồng.
Đồng thời, qua kết quả hơn 2 năm thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng áp dụng cho xe từ 09 chỗ trở xuống đã cho thấy các thuận lợi, hạn chế cần quy định để đảm bảo quản lý tốt loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
“Do vậy, việc tồn tại của xe hợp đồng điện tử là phù hợp với pháp luật hiện hành và cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với việc ứng dụng hợp đồng điện tử nói chung và ứng dụng hợp đồng điện tử đối với xe dưới 09 chỗ nói riêng. Đồng thời, Bộ GTVT bổ sung ứng dụng tính tiền thông qua phần mềm thay thế cho đồng hồ tính tiền trên xe taxi để phù hợp với thực tế và đề xuất của Hiệp hội taxi”, đại diện Ban soạn thảo Nghị định 86 nêu rõ.
Sửa đổi quy định để đảm bảo công bằng
Nội dung dự thảo Nghị định 86 mới tiếp tục được Bộ GTVT sửa đổi theo hướng cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đặc biệt, dự thảo lần này hướng đến việc đảm bảo công bằng giữa loại hình “xe hợp đồng” sử dụng hợp đồng điện tử với “xe taxi”.
Có thể kể đến như việc sửa đổi điều kiện: “Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có số chỗ từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi”.
Lý do sửa đổi quy định này do trong thời gian qua, một số đơn vị kinh doanh vận tải đề xuất sử dụng các phương tiện được cải tạo từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ để hoạt động taxi. Trong thực tế các phương tiện taxi và xe hợp đồng điện tử hoạt động chủ yếu trong khu vực nội thành, nội thị với tần suất hoạt động dày; diện tích chiếm dụng mặt đường lớn, không phù hợp với hạ tầng giao thông tại khu vực này. Vì vậy, nếu tập trung một số lượng lớn các phương tiện hoạt động trong khu vực nội thành, nội thị sẽ gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Dự thảo Nghị định 86 mới cũng bổ sung quy định: Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ trở xuống (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có số chỗ từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Điều kiện này được Bộ GTVT đưa ra nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải so với xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi.
Đồng thời, trên cơ sở tổng kết 2 năm thực hiện công tác thí điểm hoạt động của xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn có tồn tại, hạn chế phát sinh trong quản lý đối với loại hình này, đặc biệt là các điều kiện giữa loại hình này hiện nay với các điều kiện của xe taxi còn chưa tương đương, dẫn đến việc đấu tranh, khiếu nại rất quyết liệt của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, các Hiệp hội taxi trong thời gian qua.
“Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, dự thảo đã đưa ra các điều kiện kinh doanh của xe dưới 09 chỗ để kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch có ứng dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử tương đương với điều kiện kinh doanh của xe taxi nhằm đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa 2 đối tượng này”, Ban soạn thảo cho hay.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()