Tài sản trí tuệ: Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội
– Trong bối cảnh hiện nay, tài sản trí tuệ (TSTT) đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Chú trọng công tác này, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, đồng hành với các tập thể, cá nhân trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 501 nhãn hiệu được xác lập quyền SHTT, trong đó, 477 nhãn hiệu thông thường, 22 nhãn hiệu tập thể, 2 nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra đã có 2 chỉ dẫn địa lý; 34 kiểu dáng công nghiệp và 1 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT. Sau khi được bảo hộ, giá trị, uy tín của sản phẩm đối với thị trường, người tiêu dùng được tăng lên, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Các sản phẩm được xác lập quyền SHTT được trưng bày tại hội nghị tuyên truyền về TSTT ở thành phố Lạng Sơn
Anh Vi Văn Hồng, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: sau khi xây dựng nhãn hiệu “A Múi” năm 2016, gia đình tôi đã nghiên cứu, phát triển hơn 30 sản phẩm đặc sản của núi rừng Mẫu Sơn gắn với thương hiệu này. Đến nay, thương hiệu “A Múi” đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, doanh thu bán hàng cũng cao hơn so với trước, hiện gia đình tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động.
Măc dù đạt một số kết quả nhất định nhưng công tác phát triển TSTT vẫn còn hạn chế như: việc phát triển hệ thống SHTT chưa được đồng bộ; nhiều sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh chưa được xác lập, bảo hộ quyền SHTT; công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền rất khó kiểm soát. Xác định vai trò quan trọng của TSTT đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, ngày 31/3/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, xác lập quyền SHTT đối với 68 đến 86 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng…
Ông Nguyễn Minh Huấn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KHCN cho biết: Để phát triển TSTT trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xác định cần phải nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp Nhân dân về TSTT; tập trung xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh. Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Sở KHCN đã phối hợp tổ chức 81 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật SHTT; phát 5.700 tờ rơi, khuyến cáo về quyền SHTT; tổ chức cho 3.800 lượt cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm quyền SHTT; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho khoảng 20.000 hộ kinh doanh, người dân thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động trong đăng ký xác lập quyền SHTT, chủ động đề nghị tư vấn, tra cứu để tránh xâm phạm quyền của những chủ thể khác.
Cùng đó, Sở KHCN tập trung đôn đốc, hướng dẫn xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh. Kết quả từ năm 2021 đến nay, Sở KHCN đã và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 13 dự án như: xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy Chi Lăng; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm: Lợn quay Lạng Sơn, Gà 6 ngón Mẫu Sơn; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: Lạp sườn Bình Gia, bánh phồng Tràng Định, Hoa đào Xứ Lạng… Như vậy, đến nay, toàn tỉnh đã và đang xác lập quyền SHTT và phát triển TSTT đối với 39 sản phẩm đặc sản của tỉnh. Cùng đó, Sở KHCN đã tư vấn, hướng dẫn cho 69 tập thể, cá nhân xác lập quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Để thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT, Sở KHCN cũng đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến vào thực tế công tác. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 48 hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh, trong đó đã có 22 hồ sơ được công nhận. Sau khi được công nhận các sáng kiến được chia sẻ rộng rãi thông qua các hội nghị, hội thảo để áp dụng vào thực tiễn công việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học. Cùng đó, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức thường xuyên thu hút hàng trăm ý tưởng tham gia. Trong đó, nhiều ý tưởng được hiện thực hóa và mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao giá trị sản phẩm như: sản phẩm heo khô mác mật, mỳ ngô, trà hoa, tương ớt…
Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền SHTT nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()