tle=”Tài sản của bố mẹ nghèo”> Phan Văn Mạnh bên góc học tập đơn giản của mình. – Không chỉ vào đại học y mà cả hai đứa con trong gia đình nông dân nghèo này còn thi đỗ cả bốn trường đại học lớn với số điểm tương đối cao làm xôn xao một vùng quê vốn lâu nay người dân chỉ lo đi làm thuê, cuốc mướn sinh nhai.
Đó là gia đình anh Phan Văn Quyền và chị Lương Thị Hiên, ở xóm 5 xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Với số điểm tổng ba môn là 28 điểm (trong đó Toán 9,75 điểm; Sinh học 8,75 điểm; Hóa 9,5 điểm), thí sinh Phan Văn Mạnh trở thành một trong ba thí sinh có số điểm cao nhất trong kỳ thi đại học 2012 của trường THPT Quỳnh Lưu I.
Chúng tôi tìm đến gặp Mạnh khi em đang bận dọn bát đĩa phụ giúp mẹ bán bánh cuốn ăn sáng. Cậu học trò có dáng dấp nhỏ con, nước da đen sạm cho biết: “Năm nay em dự thi vào hai trường và đều đỗ điểm cao, trong đó Học viện Quân y 25 điểm, Đại học Y Hà Nội 28 điểm. Nhưng em quyết định vào học trường có số điểm cao hơn là Đại học Y Hà Nội”.
Hoàn cảnh của gia đình Mạnh rất khó khăn. Mấy sào ruộng khoán là nguồn thu nhập duy nhất để nuôi năm miệng ăn trong gia đình. Vậy mà cách đây bốn năm, anh trai của Mạnh là Phan Văn Thế đã “liều lĩnh” thi một lúc đậu cả hai trường đại học là Đại học Dược 23, 5 điểm, Đại học Y Thái Bình 25 điểm.
Gạt nước mắt sung sướng đến cả tuần không ngủ, chị Hiên quyết định cho Thế vào học Đại học Y Thái Bình. Cũng từ đó, chị bắt đầu làm thêm bằng nghề tráng bánh cuốn bán ăn sáng tại gia.
Thương cảnh hộ nghèo của anh chị, bà con láng giềng thường qua lại ăn sáng tại quán giúp chị có thêm nguồn thu nuôi con.
Đằng đẵng bốn năm trời với mức chi cho con mỗi tháng xấp xỉ ba triệu đồng khiến chị Hiên phải thức khuya, dậy sớm. Anh Quyền làm xóm phó còn “kiêm nhiệm” thêm việc hái rau, cắt cỏ nuôi đàn lợn, mong sao cho năm năm học của con trôi qua mau.
Số tiền ngân hàng cho vay mỗi năm 10 triệu đồng chỉ là số nhỏ của tổng số tiền cho con học đại học. Đang phân vân tính toán đầu vào, đầu ra thì năm nay em trai của Thế lại tiếp tục … theo anh vào giảng đường, cũng nghề bác sĩ. Niềm vui xen lẫn nỗi lo.
Anh Quyền cho biết: “Ngoài thời gian học ở lớp, Thế rất chăm học. Em sắp xếp thời gian biểu rất khoa học để có thời gian giúp mẹ rửa bát, quét nhà khi bán ăn sáng cho khách. Chính từ sự chịu khó của Thế mà suốt 12 năm học phổ thông em đều là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt năm học vừa rồi em đạt giải 2 cấp tỉnh về học sinh giỏi môn Hóa. Trước đó lớp 11 em cũng đã từng đạt giải 3 kỳ thi Olympic môn này”.
Ngôi nhà ngói cũ ba gian xuống cấp với tài sản trong nhà không có gì đáng giá. Góc học tập của Thế bên cánh cửa sổ đã mục nát, có treo tấm bằng khen mới nhất của UBND huyện Quỳnh Lưu tặng em đầu năm 2012 với thành tích “Học sinh tiêu biểu xuất sắc của huyện”. Nhìn những cuốn sách nâng cao cũ nát, đều đã qua hàng chục năm được Mạnh và Thế dùng để học tập, mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi, càng khâm phục và thương các em.
Thấy có người chụp ảnh, bà nội của Mạnh cố nhổm dậy và nói: “Tôi bị con ma bắt trong chân nên đau suốt ngày mà không có tiền mua thuốc”. Chúng tôi động viên: “Bà cứ yên tâm sống cho đến ngày có hai bác sĩ thành tài, cháu nội của bà sẽ “bắt con ma” đi và sẽ hết đau thôi bà ạ”. Chỉ nghe được đến đó, bà cụ 83 tuổi nằm liệt giường đã lâu, rạng ngời ánh mắt và thều thào: “Không biết tôi có sống được đến ngày đó không các chú? Gia cảnh đã nghèo mà giờ bố chúng nó phải nuôi thêm một thằng đại học nữa, vất lắm”.
Chia tay cặp vợ chồng trẻ có hai người con đều bước vào đại học y ở vùng quê nghèo Quỳnh Mỹ, chúng tôi tin chắc rằng một ngày không xa với những cố gắng vượt bậc của anh chị, cảnh nghèo sẽ được xóa, bệnh tật sẽ được đẩy lùi, gia đình anh chị sẽ hưởng thành quả ngọt ngào từ những gì họ vất vả ươm trồng hôm nay từ sự trưởng thành của hai người con – hai bác sĩ tương lai.
Ý kiến ()