Tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi: Cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống
LSO-Hiện nay, tại một số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tái phát các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các ổ dịch bắt đầu có những diễn biến phức tạp, lây lan từ thôn này sang thôn kia trong cùng một xã. Nếu không khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thì những thiệt hại về kinh tế do dịch tả lợn châu Phi gây ra trong năm 2019 có thể sẽ tái diễn.
Cán bộ Trung tâm DVNN huyện Cao Lộc lấy mẫu lợn ốm chết
tại thôn Bản Cườm, xã Thạch Đạn để xét nghiệm
Tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát từ ngày 5/5/2020 ở thôn Nà Lệnh. Bốn hộ nuôi lợn tại thôn này thấy lợn bỏ ăn, chết đã báo với cán bộ thú y xã. Sau khi lấy mẫu kiểm tra, kết quả các mẫu đều dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến sáng 12/5, tại thôn Bản Cưởm, xã Thạch Đạn tiếp tục xuất hiện tình trạng lợn ốm chết và đều có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không chỉ tái phát trên địa bàn xã Thạch Đạn (Cao Lộc), theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 12/5/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 13 thôn của 7 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: Chi Lăng; Văn Quan; Văn Lãng; Cao Lộc; Lộc Bình; Hữu Lũng.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Những ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi này đều diễn ra tại những địa bàn có ổ dịch trong năm 2019. Như vậy mầm bệnh còn tồn dư, khi bà con thực hiện tái đàn nhưng không đảm bảo các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học nên lợn bị tái nhiễm bệnh. Qua điều tra dịch tễ, nguồn lây không chỉ từ lợn sang lợn, mà còn từ chuột, một số côn trùng qua quá trình di chuyển từ chuồng có lợn bị bệnh sang chuồng khác. Cùng đó, các hộ chăn nuôi vẫn xả nước thải chăn nuôi lợn ra ngoài môi trường, đây cũng là một trong những nguồn lây… Qua kiểm tra và những diễn biến thực tế từ các ổ bệnh, cũng như thực trạng chăn nuôi lợn của bà con trong thời gian qua thì nguy cơ các ổ bệnh dịch lây lan ra diện rộng là rất cao. Bởi việc chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ, hộ gia đình.
Một nguyên nhân khác khiến nguy cơ các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng là việc người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y. Thực tế, một số ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát vừa qua bắt nguồn từ con giống mua về.
Phun khử trùng khu vực chuồng trại trên địa bàn xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc
Theo báo cáo của cơ quan thú y, từ tháng 8/2019 đến hết tháng 3/2020, có 44 xã mặc dù đã khống chế dịch được qua 30 ngày nhưng ngay sau đó lại tái phát ổ bệnh dịch mới. Thực tế này cho thấy sự phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, nguy cơ lây lan ra diện rộng và tái phát thêm các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi càng cao hơn khi tại thời điểm này xuất hiện tình trạng người chăn nuôi giấu bệnh dịch và bán lợn để “chạy dịch”. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì việc làm này của người chăn nuôi sẽ khiến việc kiểm soát, khoanh vùng các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát càng trở nên khó khăn hơn, nguy cơ lây sang địa bàn khác sẽ cao hơn.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan ra diện rộng, các hộ chăn nuôi lợn cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Theo đó, cần nghiêm túc thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn. Đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, khi muốn tái đàn lợn cần thực hiện khai báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để được hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Cùng với đó, người dân cần mua con giống có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch thú y, không nên mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. “Mặc dù các huyện xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát chưa công bố dịch, nhưng thời điểm này, để ngăn chặn các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trên diện rộng, chính quyền các cấp cần triển khai các quy định phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như đã có dịch. Đặc biệt, khâu tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh phải được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng quy định nhằm giảm thiểu tối đa sự phát tán và lây lan mầm bệnh…” – Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()