Tái nghèo vì tái định cư
Một chủ đề “nóng” trên bàn nghị sự của Hội đồng nhân dân một số tỉnh khu vực miền Trung hiện nay là sự xuống cấp của các công trình tái định cư, đời sống của nhân dân ở các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn…
Một chủ đề “nóng” trên bàn nghị sự của Hội đồng nhân dân một số tỉnh khu vực miền Trung hiện nay là sự xuống cấp của các công trình tái định cư, đời sống của nhân dân ở các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn…
Ảnh minh họa/ sggp.vn. |
Hầu như ở địa phương nào cũng vậy, khi thực hiện các dự án, chủ đầu tư đều hứa hẹn không chỉ với người dân bị thu hồi đất, mà còn hứa hẹn cả với chính quyền địa phương, về trách nhiệm xây dựng các khu tái định cư văn minh hiện đại, bảo đảm cuộc sống tốt hơn so với hiện tại… Tuy nhiên, thực tế không như vậy.
Xin dẫn một vài số liệu: Tại Quảng Nam, chỉ tính riêng các dự án thủy điện như Nhà máy thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4A… đã ảnh hưởng đến 3.270 hộ dân với 14.850 nhân khẩu, trong đó có 1.733 hộ phải di dời, tái định cư tại nơi ở mới. Theo khảo sát của địa phương, hầu hết các hộ dân tại những khu tái định cư đều thiếu đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất mà chủ đầu tư cấp cho các hộ dân chủ yếu là đất làm nương rẫy và chỉ bằng 1/4 diện tích so với nơi ở cũ. Các công trình hạ tầng thi công dang dở, nhà tái định cư xây dựng kém chất lượng, xuống cấp nhanh.
Tại Quảng Ngãi, hiện có 4 khu tái định cư là Nước Cây Trường, La Nong (Trà Bồng), Sơn Linh (Sơn Hà) và Đồi 3 Cụm (Minh Long) vẫn chưa thu hút được người dân vào ở. Lý do là vì ở khu tái định cư “cái gì cũng thiếu” (điện không, nước sạch không, chợ không)! Cùng với đó, hầu hết các khu tái định cư, chủ đầu tư không quan tâm đến phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, xây nhà theo khuôn mẫu định sẵn, thiếu hồn cốt văn hóa của các dân tộc.
Theo khảo sát mới nhất, đời sống của người dân tại các khu tái định cư ở Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất lớn. Khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, hộ nghèo chiếm đến 60,3%, khu tái định cư thủy điện A Vương là 80,5%, khu tái định cư Đắk Mi còn cao hơn với 93,3% hộ nghèo…
Vấn đề người dân nhường đất cho những dự án đang phải sống khốn khó trong các khu tái định cư là thực trạng gay gắt, cần phải được xem xét kỹ và giải quyết nhanh. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp bách, mà còn là lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền. Đã đến lúc các địa phương cần khảo sát, thống kê, đánh giá chất lượng một cách toàn diện các khu tái định cư và yêu cầu các chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính trong việc “sửa sai”. Đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm không giữ “lời hứa” với dân, với Đảng.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()