Tai nạn rình rập
LSO-Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe thô sơ chở hàng cồng kềnh khiến 2 người tử vong. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhất là khu vực nội thành, nội thị có không ít những phương tiện như vậy vẫn lưu thông trên đường làm ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông và gia tăng nguy cơ ùn tắc.
Xe đạp điện kéo xe ba gác chở hàng cồng kềnh trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn |
Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn chúng ta không khó để bắt gặp những chiếc xe đạp điện, xe mô tô kéo theo xe ba gác chở những thanh sắt dài quá khổ hay những tấm tôn sắc lẹm dài 6-8 m. Hàng hóa quá khổ nên xe di chuyển chậm, khiến giao thông bị ùn tắc. Không chỉ gây ùn ứ cho đường hẹp, tại những khu vực có lưu lượng xe cao như chợ, ngã ba, ngã tư thì sự có mặt của phương tiện này càng nguy hiểm hơn. Những vật liệu mỏng như tôn, tấm ốp trần, biển quảng cáo hay thanh sắt dài không được bao bọc, các đầu, cạnh lúc này không khác gì lưỡi dao gây nguy hiểm cho người đi đường.
Do cước phí vận chuyển rẻ hơn so với các phương tiện khác nên nhiều người lựa chọn xe đạp điện, mô tô kéo theo xe ba gác tự chế để vận chuyển hàng cồng kềnh bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông. Anh Nguyễn Văn Hùng, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn bức xúc: Vật liệu trên những chiếc xe này thường vượt quá thành xe cả mét lại sắc lẹm như những con dao nên chẳng ai dám vượt đành phải bò theo cho hết đoạn đường hẹp. Vì một người không chấp hành các quy định về an toàn giao thông mà bao nhiêu người phía sau phải chờ đợi.
Không riêng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tình trạng này còn phổ biến tại các huyện, chủ yếu do các xưởng thi công mái tôn tự chế để chở vật liệu. Nói về nguy cơ từ phương tiện này, trung tá Ngô Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố cho biết: Với xe đạp điện, mô tô kéo theo ba gác chở hàng cồng kềnh trọng lượng càng cao thì lực quán tính càng lớn, trong khi hệ thống phanh không đảm bảo. Nếu đi qua những đoạn cong, cua, dốc, tầm nhìn bị hạn chế mà có tình huống bất ngờ xảy ra, lái xe không kịp xử lý sẽ dẫn đến tai nạn.
Xử lý xe chở quá khổ, cồng kềnh là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên riêng với xe thô sơ thì mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, chứ chưa mạnh tay xử lý. Cụ thể, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh mới xử lý 62 mô tô chở hàng quá kích thước, 74 xe mô tô tự ý thay đổi kết cấu xe. Khi tai nạn xảy ra ở một số địa phương, công an các huyện, thành phố mới tập trung vào cuộc, từ ngày 25/9 đến 10/10/2016, Công an thành phố Lạng Sơn phát hiện, xử lý 23 trường hợp xe thô sơ vi phạm chở hàng hóa quá khổ. Thực tế vẫn còn nhiều phương tiện loại này lưu thông trên đường. Theo Điều 8, Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt: Người điều khiển xe đạp, xe máy, xe thô sơ xếp hàng hóa quá giới hạn quy định không đảm bảo an toàn giao thông sẽ bị phạt từ 60.000 – 80.000 đồng. Mức phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe.
Trên địa bàn tỉnh, tuy chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào liên quan đến xe thô sơ chở hàng cồng kềnh song thực tế vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu người đi đường bất cẩn. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện này. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng cần quyết liệt ngăn chặn hoạt động của xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()