Thứ 6, 22/11/2024 18:29 [(GMT +7)]
Tai nạn giao thông: Tăng ý thức - giảm tai nạn
Thứ 2, 23/08/2010 | 08:50:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thường là do thiếu ý thức của người khi tham gia giao thông. Nhưng ý thức chỉ có được khi người ta có được nhận thức đúng đắn bắt đầu từ văn hóa có trong mỗi người. Người thiếu văn hóa không thể có ý thức chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông và đó là nguyên nhân chính của TNGT…
Xử lý tai nạn giao thông trên đường Hùng Vương Ảnh: Trang Vân |
Đó là đánh giá trong báo cáo của Ban ATGT tỉnh trong hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2010. Nhìn lại năm 2009 vừa qua, vấn đề TNGT trên địa bàn Lạng Sơn vẫn còn là nỗi nhức nhối. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, sau khi kết thúc tháng ATGT, TNGT không giảm mà còn tăng cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn phổ biến ở các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, đội không đúng quy cách, uống rượu bia, đi xe ngược chiều, đi không đúng phần đường, xe chở khách quá trọng tải, chạy quá tốc độ, tranh giành khách… Ngoài ra, tại một số trường THPT như Việt Bắc, trường THPT Cao Lộc… nhiều học sinh vẫn đi xe máy đến trường, thậm chí còn chở quá số người quy định và không cần đội mũ bảo hiểm…, Chính với lý do đó khiến tình hình trật tự ATGT ở Lạng Sơn không đạt giảm cả 3 tiêu chí. Bước sang năm 2010, qua hơn 7 tháng đầu năm, số vụ TNGT đường bộ đã lên tới con số 94 vụ, làm chết 74 người, bị thương 122 người, đặc biệt, số vụ TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy vẫn còn nhiều. Tuy vậy, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, so với cùng kỳ năm 2009, số vụ TNGT trên toàn tỉnh đã giảm 6,97%, trong đó một số địa bàn TNGT đã giảm 3 tiêu chí so với cùng kỳ đó là: thành phố, huyện Cao Lộc, Đình Lập, Bình Gia, Bắc Sơn…, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Sự tiến bộ là đáng mừng, song vấn nạn TNGT là vấn đề nan giải bởi hàng ngày vẫn còn những người chết và bị thương do TNGT. Đáng nói nhất là sau mấy năm thực hiện việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, kết quả thật đáng mừng khi chuyện đội mũ bảo hiểm đã thành thói quen của đại bộ phận người tham gia giao thông, nhất là ở thành phố Lạng Sơn và ở một số trung tâm huyện. Ngoài ra, kể từ tháng 5/2010 khi Nghị định 34 của Chính phủ có hiệu lực, mức phạt về vi phạm luật lệ ATGT tăng thì số vụ vi phạm đã có thời điểm giảm. Nhưng đấy là ý thức người dân bắt đầu từ nhận thức hay là chuyện “sợ phạt”? Tất nhiên không thể phủ nhận việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức về “Văn hóa giao thông” trong các tầng lớp nhân dân và người tham gia giao thông, song ý thức thật sự thành một thói quen tích cực trong tham gia giao thông của người dân thì còn là chuyện phải bàn. Nhận thức về ATGT ai cũng có nhưng thói quen lại là chướng ngại đáng kể trong mỗi người. Thực tế, không có việc vội người ta vẫn thích phóng nhanh, vượt đèn đỏ… Thông qua con số 33.584 trường hợp bị lực lượng CSGT xử phạt trong 6 tháng đầu năm (tăng 16.212 trường hợp so với cùng kỳ) là minh chứng cụ thể nhất cho việc nhiều người dân vẫn còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Và để răn đe những người không có văn hóa khi tham gia giao thông, thời gian qua, cơ quan tố tụng đã truy tố, xét xử nhiều đối tượng vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện ATGT đường bộ (khởi tố 37 vụ với 38 bị can, truy tố 27 vụ với 29 bị can, xét xử 27 vụ với 29 bị cáo) nhưng sự răn đe mạnh này cũng chỉ giúp tình hình trật tự ATGT thời gian qua giảm được 2 tiêu chí về số vụ và số người chết.
Trước vấn nạn giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị, ngành GTVT cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong năm 2010. Phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc bảo đảm trật tự ATGT. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông, hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, cần có thêm nhiều bài viết đề cập đến “Văn hóa giao thông” trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, tọa đàm về xây dựng “Văn hóa giao thông”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là Luật giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn; tăng cường công tác giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong trường học; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; chở quá số người quy định, vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không thực hiện quy định về thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm…
Một số giải pháp đã đem lại hiệu quả, nhưng cái gốc của vấn đề TNGT vẫn là văn hóa giao thông trong mỗi người, và nếu tự chúng ta nâng cao ý thức của chính mình thì chắc chắn số TNGT sẽ giảm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()