Tai nạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Khung vỏ ô tô bền chắc cũng khó cứu mạng người
Khi ô tô rơi vào tình huống “kẹp chả” giữa hai xe đầu kéo, dù khung vỏ cứng chắc thì cũng khó tránh khỏi thương vong như ở vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn.
Vụ tai nạn giao thông sáng ngày 18/2 trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn giữa ô tô con và 2 xe đầu kéo trọng tải lớn khiến 3 người chết, 2 người bị thương, đã để lại nhiều bài học cho các tài xế. Trước hình ảnh đau thương và gây ám ảnh về chiếc xe con bị vò nát, bẹp rúm ró, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu các tính năng, công nghệ an toàn của những chiếc ô tô hiện đại, đắt tiền có giúp người ngồi bên trong giữ được mạng sống khi va chạm tương tự xảy ra?
Ô tô biến dạng rúm ró và tính năng hấp thụ xung lực trong hệ thống an toàn bị động
Trong các thử nghiệm va chạm ô tô từ thập niên đầu thế kỷ 21, tính năng an toàn bị động của xe ô tô, đặc biệt là vật liệu và thiết kế khung vỏ xe được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm, nhất là tại châu Âu khi người tiêu dùng thường có xu hướng đặt niềm tin ở các mẫu xe đạt điểm 5 sao. Để đạt được điểm số này, chiếc xe trải qua lần lượt các thử nghiệm va chạm đa dạng như va chạm mạnh đến từ phía trước khi xe di chuyển với tốc độ lên đến 64,4 km/h, các va chạm vào mạn sườn xe và va chạm đến từ cả phía sau.
Hình ảnh chiếc xe Ford Everest bị vò nát sau tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn ngày 18/2. (Ảnh: Quang Thành)
Để vượt qua các bài thử nghiệm này, chiếc xe phải có hệ thống khung gầm, vỏ xe chắc chắn, có thiết kế vùng hấp thụ xung lực phù hợp, túi khí phải bung, dây đai an toàn được siết chặt giữ người trên xe.
Ô tô ngày nay đều thiết kế khung vỏ có tính năng hấp thụ xung lực, đồng thời phân tác lực tác động để giảm thiểu khả năng chấn thương đến người ngồi trong xe. Đầu xe, đuôi xe được chế tạo với vật liệu thép hợp kim có độ mềm phù hợp. Khi xảy ra va chạm, các vùng này bị móp méo, thậm chí là bị bẹp rúm, thể hiện tính năng hấp thụ xung lực. Ngược lại, khung xe được thiết kế cứng cáp với vật liệu cứng, bền, tránh tối đa biến dạng khi xảy ra va chạm.
Hiện nay, Cục Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) áp dụng các bài thử nghiệm va chạm đối với các dòng xe con có trọng tải không quá 3 tấn, mô phỏng va chạm với tường chắn hoặc mô hình xe có trọng lượng từ 1,3 đến 1,5 tấn. Theo đó, ô tô có trọng tải càng lớn và vận tốc càng cao thì có động năng càng lớn, hậu quả của va chạm càng nặng nề.
Trong khi đó, các tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra giữa xe con và xe container trên thực tế đều ở tình huống nguy hiểm vượt xa các bài thử nghiệm của các cơ quan đánh giá an toàn xe như NHTSA. Cụ thể, xe container hoặc xe tải nặng với trọng lượng bản thân trung bình từ 8-9 tấn, gấp 6 lần xe mẫu trong các bài thử nghiệm. Khi kéo thêm hàng hoá, xe container có thể đạt mức trọng lượng 38 đến 40 tấn, gấp gần 30 lần so với tình huống xe mô phỏng.
Bài thử nghiệm xe đầu kéo đâm liên hoàn ô tô con từ phía sau ở tốc độ 43km/h cho thấy, chiếc xe con đã bị bẹp rúm, “biến mất” dưới gầm xe đầu kéo.
Theo thông tin nghiên cứu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi ô tô đâm vào một vật với vận tốc 50 km/h, lực va chạm sẽ tương đương với ô tô rơi từ độ cao 50m. Với tốc độ 70 km/h, sự va đập tăng lên gấp 2 lần so với tốc độ 50 km/h; với tốc độ 87 km/h sự va đập tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ 50 km/h và với tốc độ 100 km/h sự va đập tăng lên gấp 4 lần so với tốc độ 50 km/h.
Trong vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tốc độ lưu thông của xe đầu kéo được ghi nhận theo camera hành trình là 56 km/h. Như vậy, cú đâm của xe container vào xe con Ford Everest sẽ không khác gì lực va chạm khi xe bị rơi ở độ cao 10m trở lên, thậm chí còn lớn hơn.
Đặc biệt, chiếc xe Ford Everest bị “kẹp chả”, chịu lực tác động mạnh từ 2 chiếc container lao đến từ hai phía, lực va chạm gấp đôi so với bài thử nghiệm trên. Do đó, dù chiếc xe con Ford Everest có khung vỏ bền cứng, có hệ thống trang bị an toàn chủ động hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao cũng không thể chống chịu được lực va chạm quá mạnh. Hậu quả, xe bị biến dạng, bẹp rúm ró là tất yếu.
Người ngồi hàng ghế sau nếu thắt dây an toàn có thoát chết được không?
Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đã thử nghiệm va chạm với hình nộm trong xe ngồi hàng ghế sau không thắt dây an toàn, kết quả cho thấy hành khách ngồi hàng ghế sau bị lực tác động đẩy dồn về phía trước, va đập vào ghế lái dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt ở phần đầu và chân. Ở tốc độ càng cao, lực va chạm càng tăng dễ dẫn đến tử vong.
Ngược lại, khi người ngồi trong xe ô tô thắt dây đai an toàn, trong trường hợp va chạm mạnh xảy ra, dây đai sẽ siết giữ người ngồi ở ghế, tránh được hậu quả chấn thương. Luật Giao thông đường bộ của mọi quốc gia đều quy định bắt buộc người ngồi trong ô tô phải thắt dây an toàn.
Các chuyên gia ô tô nhận định, trong vụ tai nạn thương tâm ở cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tài xế và người chồng ở khoang lái có cơ hội sống sót chính là nhờ túi khí bung và có thể đã thắt dây an toàn và không nằm ở vùng đâm trực diện. Tuy nhiên, vị trí hàng ghế phía sau của xe Ford Everest rơi đúng điểm “kẹp chả” đâm nhau trực diện giữa 2 container nên dù túi khí bung, có thắt dây đai an toàn thì người vợ và 2 con ngồi sau cũng khó có thể thoát chết.
Có thể nói, dù công nghệ bảo vệ hỗ trợ người lái trên ô tô ngày càng phát triển nhưng yếu tố an toàn hàng đầu khi sử dụng ô tô hiện nay vẫn xuất phát từ con người. Làm chủ tay lái, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tuân thủ nguyên tắc chủ động thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô chính là bảo vệ bản thân cũng như giảm nguy cơ tai nạn cho những người tham gia giao thông xung quanh.
Theo vtc.vn
Ý kiến ()