Tái hiện Tết Đoan Ngọ trong cung đình xưa
Sáng 6-6, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội tổ chức chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.
Nghi lễ cúng tế tổ tiên và lễ ban quạt là hai nghi lễ đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và sự quan tâm đến bề tôi của nhà vua. Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, hàng năm cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên và Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt.
Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng.
Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp Vua quan quý tộc và các loại quạt thông thường của người dân, đã giúp cho du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội rất chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghiên cứu những nghi lễ trong cung đình; đã tổ chức các chương trình trưng bày, thể nghiệm các nghi lễ truyền thống nhân các dịp lễ, tết như Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu. Văn hóa phi vật thể trong cung đình chính là nhân tố làm sống lại và giúp di sản “tỏa sáng”, nhất là thu hút khách du lịch.
Trong lễ khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024, Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã giới thiệu những món ăn đặc trưng của Tết Đoan Ngọ.
“Tết Đoan Ngọ trong cung đình hay ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tiên. Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương và còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ”. Những món ăn truyền thống như rượu nếp và các loại hoa quả được người xưa sử dụng trong ngày này vừa mang ý nghĩa truyền thống đặc sắc của văn hóa Việt Nam và cũng rất tốt cho sức khỏe", Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết.
Ý kiến ()