Tái hiện di sản từ phế tích
Đưa công chúng đến với trải nghiệm chân thực nhất, để lịch sử văn hóa không còn là những tài liệu nghiên cứu hay bản ghi chép khô khan, đó là mục tiêu của Sen Heritage – nơi tập hợp những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ… nặng lòng với di sản văn hóa cổ truyền Việt Nam. Họ đang nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm đặc biệt để hồi sinh và lan tỏa, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc.
Dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, văn bia Sùng Thiện Diên Linh, văn bia chùa Đọi và nhiều hiện vật lịch sử khác, đồng thời kế thừa các thành quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long, chùa Phật Tích…, tháng 10/2020, Sen Heritage đã công bố dự án mô phỏng kiến trúc Chùa Diên Hựu – Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo (VR). Với chiếc kính 3D, người xem được “xuyên không” để bước đi trong không gian lộng lẫy của phong cách kiến trúc Phật giáo hoàng gia triều Lý.
Ngôi chùa vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ nhiều thế kỷ trước bỗng hiện lên đầy sống động với tháp chuông Quy Điền, hồ Bích Trì, tháp Bạch Manh… như nhiều tư liệu Hán Nôm mô tả. Dù tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo nhưng các thành phần kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đều được xử lý, tính toán dựa trên số liệu cụ thể nhằm mang đến cảm nhận chân thực và sinh động nhất. Bản phỏng dựng ngay khi ra mắt đã mang đến sự ngạc nhiên và thán phục cho nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa lịch sử trong và ngoài nước.
Chưa dừng ở đó, cuối tháng 4/2021 vừa qua, Sen Heritage tiếp tục giới thiệu bản phỏng dựng Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý. Trên cơ sở nghiên cứu mối liên hệ giữa các hiện vật khảo cổ như trụ đá Ngọc Hà, chân Tu Di tòa chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh…, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết về khả năng áp dụng của Tu Di đài trong làm đài đèn hoặc đài sen đặt tượng Thích Ca sơ sinh. Nhóm đã phỏng dựng lại hoàn toàn cấu trúc Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với ba phần: phần chân trụ gồm phiến đá bát giác, giật tam cấp; phần thân trụ gồm trụ đá Phật tích tạc cửu sơn bát hải, song long hiến châu và bệ đỡ tòa sen; phía trên là tượng Thích Ca sơ sinh.
Ứng dụng thành quả từ nhiều lần nghiên cứu, Sen Heritage còn tạo ra bản phối đặt Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh vào bối cảnh chùa Diên Hựu trong không gian VR. Từ đây, người xem vừa được tham quan ngôi chùa cổ, vừa có thể hình dung về nơi diễn ra những nghi lễ Phật giáo. Vừa qua, bản phục dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý thành hiện vật thực tế do Sen Heritage thực hiện theo tỷ lệ 1/1 đã được đặt ở trung tâm pháp hội Tắm Phật 2021 trong lễ Phật đản 2021 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ. Bản phỏng dựng VR Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý đặt trong không gian chùa Diên Hựu được mạng xã hội Butta chính thức sử dụng trong chiến dịch “Tắm Phật online – nhân hai công đức” năm 2021 gây quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
Bản phỏng dựng kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột thời Lý và Đài đèn, Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý là những sản phẩm đầu tiên của Sen Heritage trong Dự án tái lập các di sản kiến trúc, mỹ thuật thời Lý – Trần. Dự án còn hướng tới phỏng dựng nhiều kiến trúc cổ như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí…
Đây chỉ là những phương án phỏng dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu nên chưa thể chính xác tuyệt đối, song việc tái lập những di sản kiến trúc văn hóa dựa trên các tư liệu bi ký, khảo cổ, sử liệu, đưa ra các giả thuyết khoa học và hiện thực hóa các giả thuyết bằng công nghệ là hướng đi thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đây cũng là hướng đi mang đến nhiều kỳ vọng cho công tác lưu trữ, trưng bày tại bảo tàng; hoạt động tham quan, du lịch bằng công nghệ thực tế ảo; làm phim hay giáo dục văn hóa lịch sử, quảng bá di sản trong nhà trường…
Là nhóm thiện nguyện hoạt động phi lợi nhuận, Sen Heritage được sáng lập bởi PGS,TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (Giám đốc điều hành (CEO) VNi, Holomia) và Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Hội quán Di sản). Những thành quả vừa qua là trái ngọt đã được họ nuôi dưỡng trên dưới 10 năm. PGS,TS Trần Trọng Dương đã nghiên cứu kiến trúc thời Lý từ những năm 2011, 2012; KTS Đinh Anh Tuấn từng số hóa Hoàng thành Thăng Long từ năm 2008; NTK Trần Thanh Tùng cũng đã có hơn 10 năm phục dựng các vật phẩm thời Lý và các biểu tượng của văn hóa Đại Việt.
Cùng chung đam mê với văn hóa Đại Việt nên họ tìm đến nhau, cộng tác cùng nhau như một lẽ đương nhiên. Nói như PGS,TS Trần Trọng Dương là “Nhân duyên văn hóa đã khiến những cá nhân đơn lẻ gặp được nhau vào cuối năm 2017, để rồi quyết định kết hợp thành một nhóm cùng hiện thực hóa ước mơ tái lập di sản Đại Việt”.
Sen Heritage đã ra đời như thế và nhanh chóng tìm được sự đồng hành của nhiều người trẻ là những kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế… cùng được hun dưỡng tình yêu với văn hóa Việt như: Hiệu Sicula, Nguyễn Ngọc Duy, Lê Minh Quân, Lê Quang Huy, Hà Hữu Thanh, Nguyễn Minh Ngọc… Nhóm của PGS,TS Trần Trọng Dương phụ trách về nghiên cứu khoa học; nhóm của KTS Đinh Anh Tuấn chịu trách nhiệm về kiến trúc, công nghệ; nhóm của NTK Trần Thanh Tùng lo khâu “biến từ ảo thành thật”, đưa những sản phẩm VR3D thành hiện vật thực tế.
Chia sẻ lý do lựa chọn những kiến trúc thời Lý để phục dựng trước, PGS,TS Trần Trọng Dương cho hay: “Những thành tựu khảo cổ học, đặc biệt ở Hoàng thành Thăng Long, trong hơn 10 năm vừa rồi đã hé mở cho chúng ta một quá khứ lộng lẫy của nền văn minh Đại Việt – văn hóa thời Lý. Nghệ thuật thời Lý là nền nghệ thuật hàn lâm, có tính hệ thống về ngôn ngữ, phong phú về biểu tượng, thống nhất về tư tưởng triết học. Dù là mặt bằng mandala (mạn-đà-la) như chùa Một Cột, hay một vảy điêu khắc trên cánh sen chân tảng đều thể hiện tư tưởng thâm sâu của vũ trụ quan Phật giáo.
Văn hóa thời Lý là nền văn hóa đỉnh cao, tiếc rằng đã bị phá hủy bởi chiến tranh và thời gian. Vì lẽ đó, chúng tôi muốn làm sống dậy những nét đẹp vàng son lộng lẫy của văn hóa hoàng gia, văn hóa Phật giáo”. Anh cũng thừa nhận, được làm việc với những cộng sự trong nhóm đã giúp anh may mắn thu về hàm lượng kiến thức không thể ngờ đến. Là người theo đuổi nghiên cứu về chùa Diên Hựu – Một Cột đã nhiều năm, từng công bố nhiều bài viết, chuyên luận liên quan nhưng chỉ khi những giả thuyết được hiện thực hóa bằng mô hình phỏng dựng VR3D, anh mới giải được nhiều bài toán mà trước đó nghiên cứu chưa thể thấu đáo.
Ấy là những vấn đề về kỹ thuật, lịch sử, hình thái kiến trúc, phong cách hoàng gia. Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến cũng giúp các thành viên điều chỉnh giả thuyết tốt hơn. Chẳng hạn, kiến trúc một cột thời Lý theo giả thuyết của PGS, TS Trần Trọng Dương là lầu hoa sen một cột sáu cạnh, nhưng các cộng sự kỹ thuật còn có thể hiện thực hóa theo giả thuyết bốn cạnh. Việc đưa ra nhiều bản phỏng dựng theo những giả thuyết khác nhau giúp việc tái lập trở nên phong phú, thú vị và khoa học hơn.
Tuy nhiên, cũng vì lựa chọn văn hóa thời Lý để tái hiện nên Sen Heritage phải đối mặt vô vàn khó khăn, nhất là khi các di tích kiến trúc, đền đài thuộc thời kỳ văn hóa này chỉ còn là phế tích, thậm chí chỉ là mảnh vụn.
Trong khi đó, việc tiếp cận các tư liệu khảo cổ, tư liệu nghiên cứu nguyên cấp chủ yếu nằm trong hệ thống bảo tàng là điều chẳng mấy dễ dàng đối với những cá nhân hay tổ chức nghiên cứu tự phát. Thêm nữa là thách thức về kinh phí bởi mọi công tác từ điền dã, viết lách, phiên dịch (từ tiếng Hán, Anh, Trung, Pháp…), sản xuất phỏng dựng các mô hình 3D trong môi trường thực tế ảo… đến tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm đều là công việc phi lợi nhuận, thậm chí do các thành viên tự bỏ kinh phí, công sức. Bạn bè vẫn hay gọi họ là những người “vác tù và hàng tổng” nhưng họ coi đó là sự đầu tư cho văn hóa truyền thống.
Chắp nối, lắp ghép những mảnh vụn quá khứ, những miếng vỡ khảo cổ để phỏng dựng, tái hiện những nét rực rỡ của văn hóa Đại Việt bằng những ứng dụng công nghệ mới là công việc đầy tự hào của Sen Heritage, cũng là cách để họ nhân lên niềm tự hào này nơi những người trẻ hiện tại.
Ý kiến ()