Tái hiện chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy
Ngày 18/7, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Chiến thắng Bạch Đằng (1288)”.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh gồm 600 chiến thuyền và 40.000 quân xâm lược Mông – Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy. Chiến công này đã khắc đậm trong ký ức dân tộc Việt Nam như một chiến công huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm, là minh chứng hùng hồn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Nhằm ôn lại một trong những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Chiến thắng Bạch Đằng (1288)”.
Bộ tem tái hiện lại quang cảnh trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử với hùng khí “Sát thát” của thế trận toàn dân. Bối cảnh là khi thủy triều rút tại cửa sông Bạch Đằng với hình ảnh là hàng loạt tàu của quân Nguyên – Mông bị cọc gỗ đâm thủng chìm dần trong biển lửa; các cánh quân của vua tôi nhà Trần trong tiếng trống trận dũng mãnh tiến công; tàu giặc bị đốt cháy; quân địch bị tiêu diệt, lửa cháy ngút trời khiến quân xâm lược hoảng loạn. Đặc biệt, bộ tem cũng khắc họa rõ nét hình tượng người lãnh đạo chỉ huy trận đánh cưỡi ngựa cùng quân dân đánh đuổi quân Nguyên – Mông. Minh họa thêm cho trận đại chiến lừng lẫy trên là sơ đồ trận đánh Bạch Đằng.
Bộ tem như thước phim lịch sử, ghi lại chiến tích lừng lẫy của quân dân nước Nam, qua đó thể hiện tài thao lược của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Với tông mầu nóng, bộ tem đã thể hiện thành công khí thế hừng hực của các cánh quân trong trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam.
Bộ tem gồm 1 mẫu, được thiết kế tràn lề với khuôn khổ 54 x 37 mm, do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ 18/7/2020 đến 30/6/2022.
Ý kiến ()