Tái diễn thủ đoạn giả danh cán bộ công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện thủ đoạn các đối tượng giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo), kích hoạt tài khoản định danh điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chiều 18/5/2024, anh N.Q.H, sinh năm 1982, trú tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan nhận được cuộc gọi từ số lạ, đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Văn Quan thông báo anh sai thông tin cá nhân nên không đồng bộ được lên cổng dịch vụ công, yêu cầu anh tải app dịch vụ công rồi hướng dẫn kích hoạt. Anh N.Q.H trình bày: Do không nghi ngờ nên tôi có làm theo hướng dẫn tải app dịch vụ công về trên điện thoại sau đó có ấn kích hoạt theo hướng dẫn của đối tượng. Đến khoảng 14 giờ 50 phút cùng ngày, tôi vào kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình thì phát hiện bị mất tổng số tiền hơn 128 triệu đồng, với 3 lần chuyển, trong đó lần 1 là 10 triệu đồng; lần 2 là 98 triệu đồng và lần 3 là 30,5 triệu đồng.
Cũng vào khoảng thời gian trên, anh T.T.H, sinh năm 1983, trú tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cũng nhận được cuộc gọi từ số lạ của đối tượng với thủ đoạn tương tự; sau đó anh vào kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện bị mất 10,5 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, có nhiều người dân trên trên địa bàn tỉnh nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, đối tượng tự xưng là cán bộ thuộc các đơn vị công an tỉnh để “bẫy” người dân. Thủ đoạn của chúng là gọi điện thông báo việc cài đặt app VneID của người dân bị lỗi trên hệ thống hoặc sai thông tin cá nhân nên không đồng bộ được lên cổng dịch vụ công; đồng thời yêu cầu người dân nhanh chóng cài đặt lại, nếu quá hạn sẽ bị xử phạt hành chính. Đối tượng gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến như Zalo, Facebook..., hướng dẫn người dân truy cập để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.
Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, sẽ bị các đối tượng chiếm quyền truy cập điện thoại ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP...), kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Được biết, thủ đoạn trên đã xuất hiện khoảng giữa năm 2023, thời điểm đó, các bị hại trên địa bàn đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 800 triệu đồng. Thượng tá Trần Thị Thu Trang, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Trong năm 2023, lợi dụng việc công an các địa phương trong tỉnh ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD, nhất là dịp cao điểm đợt giữa năm 2023, các đối tượng đã tạo các phần mềm giả mạo sau đó giả danh công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt để chiếm quyền sử dụng điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.
Mặc dù các đơn vị công an tỉnh đã liên tục tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn trên, thế nhưng thời gian qua vẫn có người tiếp tục mắc bẫy đối tượng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra với hơn 40 trường hợp nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Những trường hợp này đều bị các đối tượng lừa đảo giả danh công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến người dân.
Thượng tá Lâm Tiến Hùng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, đơn vị khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNelD từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNelD từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại…
Cùng đó, người dân thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố; trường hợp nghi vấn phải liên hệ Công an xã, thị trấn trên địa bàn hoặc cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra với hơn 40 trường hợp nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. |
Ý kiến ()