Tái đàn vật nuôi Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh
– Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được xuất bán phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung tái đàn gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trước Tết Nguyên đán 2024, anh Hoàng Văn Thắng, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình đã xuất bán 50 con lợn thương phẩm. Sau tết, để chuẩn bị nuôi lứa mới, anh đã thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại. Theo anh Thắng, do việc tái đàn thường được tập trung khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm giao mùa, dễ phát sinh dịch bệnh nên cùng với việc tái đàn, anh đã tăng cường phòng, chống dịch bệnh với các biện pháp như: khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi… Đối với con giống, anh mua giống có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời, nuôi cách ly khoảng 10 ngày trước khi cho nhập đàn. Hiện nay, anh đã tái đàn với quy mô 40 con lợn và đàn lợn đang phát triển tốt.
Cùng với anh Thắng, người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng đã và đang tập trung tái đàn. Để đảm bảo tái đàn vật nuôi hiệu quả, cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện có trên 28.000 con gà; hơn 6.900 con lợn, trên 1.400 con bò và 5.000 con dê…
Hiện nay, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trong đó, tổng đàn bò có hơn 28.000 con, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2023; đàn lợn trên 181.000 con, tăng 1,09% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,6 triệu con, tăng 4,04% so với cùng kỳ… |
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Để công tác tái đàn đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2024, trung tâm đã chỉ đạo thú y viên các xã, thị trấn tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…
Không chỉ tại huyện Lộc Bình, thời điểm này người chăn nuôi tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung tái đàn. Với kinh nghiệm chăn nuôi gà gần 5 năm, sau tết, ông Vi Văn Cương, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập đã tái đàn khoảng 1,5 nghìn con. Ông Cương cho biết: Những tháng đầu năm, nhiệt độ thay đổi thất thường, đàn vật nuôi bị giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Để tăng sức đề kháng, phòng, chống dịch bệnh, sau khi xuất bán gà dịp tết, tôi đã phun khử trùng, để trống chuồng khoảng 1 tháng trước khi nuôi lứa mới. Trước khi nhập, vận chuyển giống thì cho uống điện giải để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, tiêm vắc xin phòng bệnh và hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh đưa mầm bệnh từ khu vực khác vào.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên chỉ đạo trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện công tác phun khử trùng tiêu độc tại các ổ dịch, hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng được hơn 374 nghìn lượt con vật nuôi, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn gửi UBND các huyện, thành phố triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, thời gian triển khai từ 1/3 đến hết ngày 31/3 và dự kiến sẽ cấp phát khoảng 4.000 lít thuốc sát trùng để triển khai.
Nhờ đó, đến nay, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trong đó, tổng đàn bò có hơn 28.000 con, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2023; đàn lợn trên 181.000 con, tăng 1,09% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,6 triệu con, tăng 4,04% so với cùng kỳ…
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, thời điểm này đang giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, rất dễ xảy ra dịch bệnh, để thực hiện tái đàn vật nuôi hiệu quả, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống tại các cơ sở cung ứng giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh; vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi; cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ cho đàn vật nuôi và thường xuyên bổ sung thêm các loại khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; thường xuyên giám sát chặt chẽ, nếu đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường thì cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý kịp thời…
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, năm 2023, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, giá con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, do đó, để tái đàn hiệu quả, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin, dự báo diễn biến thị trường để đầu tư tái đàn với số lượng phù hợp và chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ý kiến ()